Mít tinh ở nhiều nước nhân ngày Quốc tế Lao động

Hàng triệu người dân tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới đã xuống đường tham gia các cuộc tuần hành nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5, bày tỏ nguyện vọng được cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương và tăng việc làm, giảm thất nghiệp.

Tại thành phố Mátxcơva và Vladivostock của Nga, hàng chục ngàn người đã xuống đường mít tinh, tuần hành tôn vinh tinh thần bất diệt của ngày Quốc tế Lao động. Đây cũng là ngày Lễ hội Mùa xuân ở nước Nga. Dẫn đầu đoàn là 2.000 người đi xe đạp, trong đó có Thống đốc vùng Primorsk, ông Vladimir Miklushevsky và nhiều quan chức khác cùng các sinh viên, đại diện các tầng lớp dân cư… Tại Quảng trường trung tâm của thành phố vùng Viễn Đông này của Nga cũng diễn ra một đại nhạc hội, triển lãm và hội chợ thương mại.

Người dân Mátxcơva tuần hành ở Quảng trường Đỏ nhân ngày Quốc tế Lao động

Các cuộc tuần hành cũng diễn ra tại hơn 80 thành phố ở Tây Ban Nha, đất nước mà tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới hơn 27% và hối thúc một sự thay đổi tích cực trong chính sách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU). Các nghiệp đoàn tại Italia cũng tổ chức một buổi hòa nhạc ở thủ đô Roma.

Trong khi đó, tại thủ đô Athens của Hy Lạp, các dòng người biểu tình phản đối các chính sách kinh tế khắc khổ kéo dài của chính phủ cũng đổ dồn về những tuyến phố chính trong ngày 1-5. Hoạt động giao thông trong thành phố ít nhiều bị ảnh hưởng do nhiều nhân viên trong lĩnh vực dịch vụ xe buýt và tàu điện ngầm bãi công.

Còn tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh sát chống bạo động đã sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình quá khích phản đối lệnh của chính phủ cấm tụ tập tại quảng trường trung tâm do lo ngại ảnh hưởng tới công trình nâng cấp địa điểm này và an ninh không đảm bảo. Một số người biểu tình đã ném đá vào cảnh sát, gây nên cảnh hỗn loạn.

Người dân một số nước châu Á cũng xuống đường tuần hành trong ngày Quốc tế Lao động 1-5. Tại Campuchia, khoảng 5.000 công nhân, chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, đã xuống đường tuần hành qua những tuyến phố chính ở thủ đô Phnom Penh, yêu cầu chính phủ tăng gấp đôi lương tối thiểu (hiện ở mức 80USD/tháng), cải thiện điều kiện lao động và giảm giá xăng dầu. Dệt may là ngành công nghiệp mang lại nguồn thu lớn nhất cho Campuchia, chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này. Hiện có khoảng 510.600 công nhân đang làm việc tại 500 nhà máy dệt may và đóng giày của Campuchia.

Tại Bangladesh, hàng ngàn người đã đổ xuống đường biểu tình phản đối điều kiện lao động nghèo nàn, hệ thống nhà xưởng không đảm bảo an toàn, dẫn tới thảm họa sập nhà hồi tuần trước, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Theo số liệu mới nhất, đến nay đã có hơn 400 người được xác nhận là đã chết trong vụ sập nhà xưởng này và 149 người hiện đang mất tích.

Tại Hàn Quốc, hàng chục ngàn người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối các biện pháp cải cách lao động mà chính phủ đang xúc tiến thực hiện, đồng thời kêu gọi tăng mức lương tối thiểu. Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc (FKTU) cho biết khoảng 30.000 người lao động đã tham gia biểu tình. Các nhà hoạt động cho rằng dự luật do Tổng thống Park Geun-hye và đảng Saenuri theo đường lối bảo thủ của bà sẽ tạo điều kiện cho các công ty sa thải người lao động. Nhiều người biểu tình đã kêu gọi tăng lương tối thiểu từ 6.030 won/giờ (5,2 USD) lên 10.000 won/giờ (8,73USD).

Một cuộc biểu tình khác với sự tham gia của hàng ngàn người lao động cũng đã diễn ra tại nơi khác ở trung tâm thủ đô Seoul nhằm yêu cầu bỏ dự luật cải cách lao động và giảm thời gian làm việc. Hiện Hàn Quốc là quốc gia có thời gian làm việc nhiều nhất thế giới với 2.124 giờ/năm, cao hơn nhiều so với thời gian trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 1.770 giờ. Cảnh sát cho biết đã triển khai 10.000 nhân viên, song không có đụng độ nào xảy ra.

http://www.sggp.org.vn