Khủng hoảng di cư ở châu Âu

Làn sóng di dân khổng lồ với những gánh nặng về kinh tế, an ninh, xã hội đã tạo nên một cuộc khủng hoảng chưa từng có tại châu Âu.

AFP ngày 30/8 dẫn thông báo của Chính phủ Luxembourg cho biết các bộ trưởng nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp khẩn cấp về cuộc khủng hoảng di cư đang leo thang tại châu lục này vào ngày 14/9 tới tại Brussels (Bỉ).

“Tình hình hiện tượng di cư trong và ngoài EU gần đây đã leo thang đến mức chưa từng có tiền lệ. Để đánh giá tình hình thực địa, các hoạt động chính trị đang được tiến hành và để thảo luận các bước đi tiếp theo nhằm nâng cao khả năng ứng phó của châu Âu, Bộ trưởng Di cư và Tị nạn Luxembourg Jean Asselborn quyết định triệu tập phiên họp bất thường của Hội đồng JHA (tư pháp và nội vụ)”, thông báo trên cho biết.
Người tị nạn di cư đến châu Âu qua con đường bộ phía Tây Bailkan và con đường biển qua phía Đông và Trung biển Địa Trung Hải

Nguy cơ bất ổn và chiến tranh

Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có với hai làn sóng di dân và mức độ còn nghiêm trọng hơn cả nợ công Hi Lạp.

Bằng đường biển, hàng trăm ngàn người tị nạn chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông, đa số là Syria, Lybia, Afghanistan đã đổ vào Italy và Hy Lạp. Biến động chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi đã gây ra cảnh hỗn loạn, đẩy người dân các nước này chạy sang châu Âu. Riêng Hi Lạp đã chứng kiến một làn sóng người di cư hơn 160.000 người tị nạn đến bờ biển của họ trong 8 tháng đầu năm nay.

Còn trên đường bộ, hàng chục ngàn người tìm cách vượt biên giới Serbia và Hungary bằng con đường “Balkan” để tới Đức. Những người dân vùng Balkan nghèo khó, thất nghiệp xuất phát từ các quốc gia như Kosovo, Albanie và Serbia với hy vọng tìm một cuộc sống mới tại nước Đức. Theo thông tin từ Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn, chỉ tính riêng vào dịp cuối tuần qua, 7000 người tỵ nạn đã vượt qua được biên giới của Macedonia để tiến vào Serbia.

Cảnh sát Albania cho biết, làn sóng Balkan xuất phát từ lòng tham của các tổ chức tội ác buôn người. Các nhóm xã hội đen đã thu được những món tiền khổng lồ nhờ khuyến khích dân chúng ra đi. Nhiều di dân người Albani đã không ngần ngại đặt bom dưới xe hơi, hoặc đánh sập cửa nhà để xin cảnh sát cấp giấy chứng nhận họ là mục tiêu của khủng bố, không thể sống tại quê nhà với hy vọng được tị nạn chính trị.

Hiện tượng di dân kinh tế cùng với làn sóng tị nạn chiến tranh đang đặt ra một câu hỏi cho châu Âu: làm cách nào đối phó với hai làn sóng di dân cùng một lúc? Đó là chưa kể đến nguy cơ các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan trà trộn vào làn sóng những người nhập cư và đe dọa an ninh các quốc gia châu Âu.

Càng chậm giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng này, châu Âu sẽ càng nuôi lớn nguy cơ bất ổn ở biên giới với hàng trăm nghìn người nhập cư không còn gì để mất và tạo cơ hội cho hàng tấn thảm kịch chết chóc xảy ra.

Ngày 27/8 vừa qua cảnh sát Áo xác nhận đã phát hiện tới 71 thi thể người di cư chết ngạt trong một chiếc xe tải mang biển kiểm soát của Hungary bị bỏ lại trên một tuyến đường quốc lộ tại nước này.

1

Tình trạng chiến tranh, bất ổn, khủng bố Hồi giáo đang đặt châu Âu vào thế bế tắc: đàm phán với lực lượng nào ở Syria và Libya? Hoặc có khả năng nào để thương lượng với Taliban ở Afghanistan hay không?

Thiệt hại nặng nề về kinh tế

Con số khổng lồ người nhập cư cũng kéo theo các khoản nặng về chi phí trợ cấp cho chính phủ các nước sở tại. Theo Kho dữ liệu Thông tin Người tị nạn, mỗi một người xin tị nạn sẽ được chính quyền Anh hỗ trợ gần 58 USD/tuần, tại Pháp là 89 USD/tuần, còn tại Đức và Thụy Điển là khoảng 55 USD/tuần. Số tiền này còn chưa tính đến những phí tổn phải chi trả trong tương lai khi các quốc gia châu Âu bắt đầu tái định cư người tị nạn hoặc trả họ về nước. Những phương hại về kinh tế đối với châu Âu cũng là một vấn đề đáng lo ngại.

Đầu tháng 8, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua một chương trình tài chính trị giá 474 triệu euro cho Hi Lạp từ Quỹ di dân của EU. Và để phát triển hệ thống mạng lưới giao thông, đường sắt và lưới điện cho các nước Tây Belkan, EU sẽ phải chi ngay 600 triệu Euro nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân các nước trong khu vực và tìm giải pháp cho vấn đề di cư. Trong những năm tiếp theo, số tiền đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng ở những nước này sẽ lên tới 7,7 tỷ Euro.

Tuần qua, EU cũng ho biết trong tháng 9 tới sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Tây Belkan khoảng 8 triệu Euro để triển khai các biện pháp ngăn chặn dòng người tỵ nạn đổ về các nước châu Âu.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã lên tiếng cảnh báo châu Âu sẽ “không thể tự vệ” nếu như phải tiếp nhận hàng triệu người nhập cư đến từ những nơi có mức sống thấp hơn. Ông lo ngại điều này sẽ làm phá hủy những tiêu chuẩn về mức sống và cơ sở hạ tầng xã hội của châu Âu.

Chưa thống nhất trong giải pháp

Những tháng qua cho thấy các nước tham gia Thỏa ước Dublin đã không tôn trọng nguyên tắc cơ bản của Thỏa ước là nước nào mà người tỵ nạn đặt chân đến đầu tiên thì nước đó có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết đơn xin tỵ nạn. Italia, Hi Lạp và Hungary đã “thả cửa” cho người tỵ nạn tiến lên phía Bắc, còn nước Áo cũng đã mở cửa biên giới để người tỵ nạn tự do sang Đức.

Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy làn sóng người di cư trái phép đổ vào châu Âu sẽ giảm. “Mạnh ai nấy làm” là tình cảnh chung trong chính sách đối phó với tình trạng nhập cư ở châu Âu, thậm chí nhiều biện pháp cứng rắn, cực đoan cũng được thực hiện.

Bộ Quốc phòng Hungary ngày 29/8 cho biết việc dựng lớp thứ nhất của hàng rào dây thép gai dọc biên giới nước này với Serbia đã được hoàn tất, sớm 2 ngày so với thời hạn 31/8. Toàn bộ dự án bao gồm 3 lớp hàng rào thép gai cao 4 mét kéo dài dọc 175 km đường biên giới giữa hai nước. Hiện có khoảng 1.000 lính biên phòng đang kiểm soát khu vực biên giới trên và dự kiến sẽ có thêm 2.000 lính được điều động tới đây từ ngày 1/9.

Trong khi đó, nhiều quốc gia thành viên châu Âu khẳng định họ từ chối tiếp nhận người tị nạn và không tán thành đề xuất của EU về việc thiết lập kế hoạch chung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay trong châu lục

Ngày 30/8, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đưa ra nhận định rằng thái độ của một số nước Đông Âu với cuộc khủng hoảng di cư là “đáng hổ thẹn”. Ông đặc biệt tuyên bố hành động của Hungary xây hàng rào thép gai dọc biên giới với Serbia, quốc gia không thuộc EU, để ngăn người di cư là “không tôn trọng các giá trị chung của châu Âu.”

Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn nhằm phân biệt những người tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị và di cư vì lý do kinh tế thực sự không rõ ràng, mặc dù hai nhóm này, theo quy định của luật pháp quốc tế, được hưởng những mức độ trợ giúp và bảo vệ khác nhau. Sự nhập nhèm này bị các quy định về việc nộp đơn xin tị nạn chính trị của 28 quốc gia thành viên EU làm cho phức tạp hơn. Do vậy, EU không chỉ phải đối mặt với bài toán về số lượng người nhập cư mà còn với chính những vấn đề thuộc về thể chế của khối này trong việc chung tay đối phó với khủng hoảng nhập cư.

Trong bối cảnh này, xu hướng biến châu Âu thành pháo đài mỗi ngày mỗi rõ nét. Tây Ban Nha đã dựng một bức tường dài 175km dọc theo biên giới với Morocco trong khi Hungary đang tiếp tục xây cất và hoàn thiện hàng rào, tạo nên một thành lũy ngăn cách EU với người xin nhập cư.

Châu lục già đang đứng trước hai sự lựa chọn khó khăn: Hoặc tiếp tục “quân sự hóa” biên giới của mình và xua đuổi người tị nạn như “chất độc”; hoặc cùng toàn thể EU cùng chia sẻ trách nhiệm và đưa ra một hệ thống tị nạn công bằng và minh bạch cho cuộc khủng hoảng. Cuộc họp khẩn cấp tới liệu có là hi vọng giải quyết vấn đề này.

Tổ Quốc