Bầu cử tổng thống Đài Loan với Trung Quốc và Mỹ

Quan hệ Đài-Trung sẽ chuyển sang trạng thái mới với một nữ ứng cử viên trở thành tổng thống Đài Loan.

Chỉ còn không đầy 6 tháng nữa, cử tri Đài Loan sẽ bầu một tổng thống mới từ hai nữ ứng cử viên – bà Hồng Tú Trụ, 67 tuổi, Quốc dân Đảng (KMT), và bà Thái Anh Văn, 59 tuổi, Đảng Dân Tiến (DPP). Thời điểm đó không những kết thúc 2 nhiệm kỳ cầm quyền 8 năm của Tổng thống Mã Anh Cửu của KMT. Khoảng hai năm trước, Mã Anh Cửu bắt đầu bước vào giai đoạn cầm quyền không thuận lợi, với mức tín nhiệm giảm xuống chưa đến 10%, bị cho là có uy tín thấp nhất toàn cầu. Cùng với ông Mã, uy tín của nhóm người “thừa nhận mình là người Trung Quốc” còn thấp hơn – chưa đến 5%, đại đa số đều là các cựu binh Quốc dân Đảng đã hơn 80 tuổi. Đài Loan đã bước vào thời kỳ mới trong quan hệ với Đại lục bất luận là ai trở thành tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 1/2016.


Bà Thái Anh Văn (trái) và bà Hồng Tú Trụ – ứng cử viên tổng thống Đài Loan 2016 – sẽ thay đổi trạng thái quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan

Phong trào “Hoa Hướng Dương”, nổ ra ngày 18/3/2014 sau Hiệp định thương mại dịch vụ xuyên eo biển được thông qua, đã châm ngòi cho làn sóng “bài trừ Trung Quốc” trên khắp Đài Loan. Những người biểu tình cho rằng Hiệp định sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế Đài Loan, khiến hòn đảo này dễ dàng bị áp lực chính trị từ Bắc Kinh. Chính quyền KMT trở thành kẻ “bán Đài Loan” và đảng đối lập DPP được cho là có lập trường phù hợp với lợi ích của hòn đảo 20 triệu dân. Mã Anh Cửu dường như trở thành “người Trung Quốc cuối cùng” của Đài Loan và quan điểm đối với hai bờ eo biển là “tuyên bố có chủ quyền lẫn nhau nhưng không phụ thuộc nhau” bị cô lập. Tập đoàn Đỉnh Tân, cũng như doanh nghiệp nào, có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Đại lục bị xem là “thân Trung Quốc, bán Đài Loan”. Hiện trạng nền kinh tế Đài Loan trì trệ và “phân phối không công bằng” bị cho là do Mã Anh Cửu quá “thân Trung Quốc”. Mặc dù nguyên nhân cơ bản khiến cho kinh tế Đài Loan ngày càng thiếu sức cạnh tranh là do Đài Loan không chú ý đến việc nâng cấp sản xuất công nghiệp, mà chú trọng nhiều hơn đến việc tìm kiếm nơi sản xuất có giá rẻ.

Theo Thời báo tài chính Anh, chính sách hai bờ eo biển đang từng bước thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào Đại lục, phản đối Đại lục can dự vào chính trị Đài Loan. Đa số người dân Đài Loan hài lòng với “nguyên trạng” hai bờ và không chào đón một thỏa thuận chính trị an ninh mới với Đại lục.

Quan hệ chính trị hai bờ eo biển giảm nhiệt. Cuộc gặp giữa ông Tập và Chủ tịch mới của QMT Chu Lập Luân – một người thuộc phe trung gian QMT, hồi tháng 5/2015, không đưa ra nhận thức chung gì mới.

Hồng Tú Trụ, sinh ra ở Đài Loan nhưng thuộc phe “Trung Hoa Dân quốc” đã dùng khái niệm “toàn bộ nước Trung Quốc” thay thế cho “một nước Trung Quốc”, thay đổi cách nói “Đại lục, Đài Loan cùng thuộc về một nước Trung Quốc” thành “nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và ‘Trung Hoa Dân quốc’ thuộc về toàn bộ nước Trung Quốc”. Cha của bà Hồng từng bị tù ba năm tại Đại lục. Bà này phản đối ý tưởng độc lập tuyệt đối của Đài Loan, cho rằng “hệ tư tưởng ly khai là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Đài Loan” và phê phán các chính trị gia của DPP phá hoại nền tảng hòa bình cho quan hệ hai bờ.

Với sự ủng hộ dành cho Quốc dân Đảng đang ở mức thấp và sinh khí của DPP tăng cường từ sau chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử địa phương cuối năm 2014, bà Thái Anh Văn được tin sẽ trở thành tổng thống nữ đầu tiên của Đài Loan. Trong trả lời phóng vấn Nhật báo phố Uôn khi đang thăm Mỹ ngày 2/6, bà Thái tỏ ra mềm mỏng khi cho biết mối quan hệ bền vững với Bắc Kinh là điều cần thiết để đảm bảo sự ổn định cho người dân Đài Loan. Nhưng điều đó có thể thực hiện được với điều kiện phải mở rộng trao đổi giữa đôi bên, để chính quyền cũng như nhân dân hai phía cảm thông với nhau. Bà Thái nói rằng quan hệ hai bờ eo biển không phải là quan hệ giữa 2 đảng Quốc – Cộng, cũng không phải quan hệ giữa DPP với đảng Cộng sản Trung Quốc, mà phải do nguyện vọng của người dân Đài Loan quyết định…

Trong chuyến thăm Mỹ cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua, bà Thái Anh Văn đã nhận được sự đón tiếp cao nhất từ trước đến nay của Mỹ, được Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao và Trợ lý phụ trách các vấn đề an ninh quốc gia Mỹ tiếp. Phía Mỹ còn đánh giá chính sách hai bờ của bà Thái là “mang tính xây dựng”. Điều này là tín hiệu khá bất lợi cho Quốc dân Đảng. Ngày 20/7, Hội đàm Monterey – là cơ chế đối thoại chiến lược Mỹ-Đài Loan – lần đầu tiên tổ chức tại Washington. Mỹ đã chủ động công khai cơ chế mật này và chuyển địa điểm tổ chức từ thành phố Monterey đến thủ đô, nhằm gửi nhiều thông điệp đến cử tri Đài Loan cũng như lãnh đạo Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình tỏ ra một tấc cũng không nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan. Trong tháng 6 và 7 vừa qua, quân đội Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận, trong đó có mục tiêu giả định là dinh tổng thống Đài Loan. Sở trường của Bắc Kinh là đánh đòn tâm lý. Có tin, DPP đang rục rịch chuẩn bị cho một cách tiếp cận mới, mà về kinh tế sẽ tìm cách đa dạng hóa quan hệ kinh tế và tiếp xung lực mới cho nền sản xuất công nghiệp của Đài Loan./.

Nguồn Tổ quốc