Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục cảnh giác trước dịch Ebola

Trong tuyên bố được đưa ra mới đây tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Tổng thư ký Ban Ki-moon đã một lần nữa nhấn mạnh cộng đồng quốc tế hiện đang ở vào một giai đoạn bước ngoặt mang tính quyết định của cuộc đấu tranh chống dịch bệnh Ebola tại Tây Phi, trong bối cảnh nhiều dấu hiệu khả quan khiến chúng ta nghĩ rằng điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã qua.

 

Cộng đồng quốc tế tiếp tục nghiên cứu nhằm cho ra đời loại vaccine hiệu quả phòng chống dịch bệnh Ebola (Ảnh: UN)

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, năm nay được đánh dấu bởi sự sụt giảm đáng kể số các trường hợp nhiễm Ebola mới. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, chúng ta tiếp tục phải tăng cường các nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh trước mùa mưa sắp tới.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhắc lại chuyến thăm hồi cuối tháng 12/2014 tới 4 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh, cụ thể là Guinea, Liberia, Mali và Sierra Leone nhằm đánh giá những tiến bộ trong cuộc chiến chống lại virus chết người này. Vào thời điểm khi “những dự báo tương đối ảm đạm” thì “sự can đảm của những người sống sót và của những người làm việc quên mình” đã góp phần không nhỏ làm nên nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola.

“Hôm nay, chúng ta phải đối mặt với một tình huống rất khác biệt. Chúng ta biết rằng virus Ebola có thể bị đánh bại” – Tổng thư ký Liên hợp quốc hoan nghênh, đồng thời lưu ý chính chất lượng của các giải pháp ứng phó được các cộng đồng và nhà chức trách địa phương và quốc gia thực hiện là nhân tố chính dẫn đến thành công này.

Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc một lần nữa nhắc lại cách thức mà thế giới đã đoàn kết để tạo dựng một “liên minh toàn cầu chưa từng có” gồm các chính phủ, các tổ chức khu vực, tổ chức xã hội, các ngân hàng phát triển và các quỹ từ thiện.

“Các quốc gia gần và xa, lớn và nhỏ, đều đã điều các chuyên gia, gửi các thiết bị và cam kết đầu tư vốn” – ông Ban cho biết, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Liên hợp quốc, đặc biệt là thông qua Phái đoàn Liên hợp quốc hành động khẩn cấp chống lại Ebola, “phái đoàn y tế khẩn cấp đầu tiên”.

Ngoài ra, tại hội nghị quốc tế nhằm điều điều phối các nỗ lực chống lại dịch bệnh và đánh giá các biện pháp cần thiết để phục hồi những quốc gia bị tác động diễn ra ngày 3/3, mục tiêu “không còn trường hợp nào nhiễm Ebola” tiếp tục được đưa ra.

Được Liên minh châu Âu tổ chức tại Brussels (Bỉ), “Hội nghị cấp cao về Ebola” lần này tập hợp 80 phái đoàn và 600 người tham gia, trong đó có đặc phái viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Ebola, Tiến sĩ David Nabarro.

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Nabarro khẳng định giai đoạn phản ứng chống lại bệnh dịch đang hiện là khó khăn nhất. “Tất cả chúng ta phải tiếp tục tham gia đầy đủ cho đến khi công việc được hoàn thành, đặc biệt là khi virus đang biến chuyển và một số cộng đồng không muốn tham gia vào giải pháp ứng phó này” – ông nói thêm.

Đặc phái viên đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng lưu ý rằng hiện còn thiếu 900 triệu USD để tài trợ cho các giải pháp ứng phó chống lại dịch bệnh trong 6 tháng tới, trong đó 400 triệu USD được yêu cầu đầu tư ngay lập tức nhằm tài trợ cho các hoạt động quan trọng để đạt được mục tiêu “không còn trường hợp nào nhiễm Ebola”.

Cũng có mặt tại Brussels, người đứng đầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Helen Clark khẳng định lại tầm quan trọng của vấn đề tài trợ đối với sự phục hồi kinh tế ở Tây Phi.

Bà Clark đã kêu gọi hỗ trợ quốc tế cho 3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Sierra Leone, Liberia và Guinea nhằm giải quyết những trở ngại mà các nước này phải đối mặt trong các kế hoạch phát triển./.

Nguồn ĐCSVN