Kinh tế thế giới: Lạc quan và bất trắc

Bước vào năm 2015, kinh tế thế giới xuất hiện một số yếu tố tích cực, nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo còn nhiều bất trắc.
Ảnh minh họa

Giá dầu thấp được nhìn nhận khá lạc quan, là hỗ trợ tăng trưởng và thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế ở nhiều nước. Kinh tế Mỹ phục hồi tích cực, nhiều nền kinh tế đẩy mạnh cải cách và tái cơ cấu (EU, Trung Quốc, Nhật Bản …).

Với những yếu tố tích cực này, một số tổ chức quốc tế (IMF, EIU…) đã điều chỉnh dự báo lạc quan hơn triển vọng tăng trưởng của một số nền kinh tế trong năm 2015, như Mỹ tăng trưởng 3,4%, Trung Quốc 7,2%, Đức 1,2%, Pháp 0,9%…

Từ sau suy thoái năm 2009, tăng trưởng GDP của Mỹ đạt bình quân 2,3%, riêng quý IV/2014 tăng 2,6%. Tháng 1/2015, chỉ số niềm tin tiêu dùng đạt mức cao nhất kể từ năm 2007; tạo thêm 257.000 việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 5,7%.

Ủy ban châu Âu (EC) đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2015 của khu vực đồng Euro lên 1,3% nhờ hiệu ứng tích cực của giá dầu thấp và gói nới lỏng định lượng (QE) tiền tệ 1,1 nghìn tỷ Euro. Tuy nhiên, kinh tế EU cơ bản còn khó khăn, một số nền kinh tế thành viên chủ chốt (Pháp, Italy…) còn trì trệ, nợ và thất nghiệp vẫn cao.

Việc EU và Hy Lạp sơ bộ đạt được thỏa thuận về kéo dài chương trình cứu trợ thêm 4 tháng tạm thời giúp Hy Lạp tránh rơi vào tình trạng không trả được nợ trong vài tháng tới nhưng vẫn còn nhiều lo ngại về nguy cơ tái phát khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, không loại trừ EU có thể phải tính đến gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp sau khi gói cứu trợ thứ 2 hết hạn.

Kinh tế Nhật Bản đã thoát đà suy giảm khi tăng trưởng 2,2% trong quý IV/2014. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dự báo GDP Nhật Bản trong năm tài khóa 2015 (01/4/2015-31/3/2016) có thể tăng 2,1%, tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ do đầu tư và tiêu dùng vẫn còn ở mức thấp.

Bất trắc

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế nhận định kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng chậm với nhiều bất trắc. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 (ngày 9/2/2015) đánh giá kinh tế thế giới phục hồi chậm, đặc biệt là ở EU, Nhật Bản. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn thấp hơn trước khủng hoảng, tiềm năng tăng trưởng của một số nước suy giảm, sức mua yếu, thất nghiệp cao và bất bình đẳng xã hội gia tăng.

Bất ổn địa-chính trị, giá dầu khó lường và chính sách tiền tệ “trái chiều” giữa các nền kinh tế lớn là những rủi ro chính khiến kinh tế thế giới trở nên dễ biến động và bất trắc. G20 khuyến nghị các nước tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và giáo dục, cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và đổi mới công nghệ, áp dụng chính sách tiền tệ- tài chính linh hoạt để ứng phó với rủi ro tăng trưởng chậm kéo dài.

Theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 8% xuống còn 1.260 tỷ USD, trong đó FDI vào các nước phát triển giảm 14%; FDI vào các nước đang phát triển tăng 4%, đạt 700 tỷ USD và chiếm 56% FDI toàn cầu.

UNCTAD dự báo triển vọng vốn FDI toàn cầu năm 2015 gặp nhiều bất trắc do bất ổn an ninh địa-chính trị và rủi ro trên thị trường tiền tệ toàn cầu tác động đến niềm tin giới đầu tư; kinh tế thế giới và một số thị trường mới nổi tăng trưởng chậm có thể ảnh hưởng không thuận đến đầu tư; xu hướng giảm giá hàng hóa cơ bản làm giảm động cơ đầu tư vào các ngành khai khoáng, dầu mỏ.

Trong khi đó, các chỉ số kinh tế cơ bản từ đầu năm 2015 cho thấy một trong những nền kinh tế lớn của thế giới, Trung Quốc tiếp tục giảm tốc. Tháng 1/2015, chỉ số giá sản xuất công nghiệp giảm 1,1%; xuất khẩu giảm 3,3%, nhập khẩu giảm 19,9%… Lãnh đạo Trung Quốc khẳng định kinh tế Trung Quốc không “hạ cánh cứng” và bước vào “trạng thái bình thường mới” với việc chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng trung bình-cao gắn với tái cơ cấu kinh tế lấy sáng tạo làm động lực.

Một số ý kiến cho rằng quá trình tái cơ cấu kinh tế ở Trung Quốc sẽ tác động đến kinh tế thế giới, trước mắt là tác động đến mặt bằng giá quốc tế của các hàng hóa cơ bản (dầu, khoáng sản, nguyên liệu…) và xuất khẩu của nhiều nước.

Nguồn Chính phủ