Mâm cỗ ngày Tết của người Việt

Mâm cỗ ngày Tết chính là một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Tùy điều kiện địa lý, vùng miền khác nhau mà có sự khác biệt rõ rệt trong mâm cỗ ngày Tết.

Tuy nhiên, nét đặc trưng cơ bản mà miền nào cũng phải có trong mâm cỗ là cơm và xôi, đặc biệt là bánh chưng, bánh tét ăn kèm với các loại dưa muối đặc trưng của từng miền.

Mâm cỗ Tết của người miền Bắc đa dạng về những món ngon ngày Tết và còn rất chú trọng về hình thức, trang trí mâm cỗ đầy đủ màu sắc với mong muốn một năm mới nhiều may mắn cho cả gia đình. Mâm cỗ Tết cổ truyền ở miền Bắc theo lệ là bốn bát, bốn đĩa. Bốn bát thường gồm: bát giò heo hầm măng, bát bóng thả, bát miến, bát mọc. Bốn đĩa gồm: đĩa thịt gà, đĩa thịt lợn, đĩa giò lụa, đĩa chả quế. Rồi có thể thêm thịt đông, dưa hành, chả giò, nộm thập cẩm. Món tráng miệng đặc trưng miền Bắc thì có các loại mứt, ô mai hoặc món chè kho thơm mùi gừng, đậu xanh.

 

 Dù có sự khác nhau giữa các vùng miền, nhưng mâm cỗ Tết đều mang
ý nghĩa nhớ về cội nguồn, tổ tiên. Ảnh minh họa (Nguồn: vov.vn)

Mâm cỗ Tết Hà Nội hay bất cứ ở đâu trên cả nước đều không thể thiếu các món truyền thống là dưa hành và bánh chưng xanh. Nhưng miền Bắc đặc trưng với cái lạnh mùa đông. Mâm cỗ Tết do đó cũng đặc biệt hơn bởi những món được làm từ không khí rét mướt ấy như giò xào hay thịt nấu đông…

Với người dân miền Trung khi Tết về trên mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh tét, nem chua, thịt giấm, riêng người Huế thì mâm cỗ phải có đĩa giò lụa, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả Huế, đĩa thịt lợn luộc. Ở nhiều nơi miền Trung, người dân còn làm cả các món cuốn diếp gỏi ngó sen, gỏi bao tử, bánh răng bừa hay các món đặc biệt xà lách gân bò, chả tôm, nem lụi… để đặt lên gian thờ, dâng lên tổ tiên đặc sản riêng của mỗi vùng.

Món tráng miệng trong cỗ Tết của người miền Trung có các loại mứt như: mứt nhân sâm, mứt bát bửu làm từ các loại mứt quý và thịt heo quay, mứt cam sành còn nguyên trái… Bên cạnh đó, còn có bánh ngọt, thường là loại bánh khô, làm từ bột ngũ cốc đóng trong khuôn chữ nhật có in hình hoa mai, hoa đào, hoặc chữ phước, lộc, thọ… gói trong giấy ngũ sắc-như mang lời chúc tốt lành đầu năm.

Khác với miền Bắc và miền Trung về khí hậu, những món ăn ngày Tết của người miền Nam cũng có phần phong phú hơn cả với các món như: thịt kho trứng vịt nước dừa, canh khổ qua nhồi thịt, nem, giò heo, lạp xưởng tươi, gỏi gà luộc xé phay, củ hành, kiệu, tai heo ngâm giấm…Trong đó, hai món thịt kho trứng vịt nước dừa và canh khổ qua nhồi thịt là không thể thiếu trong hầu hết ở mâm cỗ ngày Tết. Theo quan niệm của ngưởi miền Nam “khổ qua” là món ăn để mong ước sự cơ cực qua đi cho năm mới tốt đẹp hơn. Món tráng miệng của miền Nam cũng rất đặc sắc với các loại mứt trái cây như: mứt dừa, mứt me, mứt khoai, mứt ổi, mứt mãng cầu… Ngoài ra còn có món tráng miệng rất đặc sắc là cơm rượu.

Cho dù có sự khác nhau giữa cách bày biện mâm cỗ ngày Tết của các vùng miền, song chúng đều mang ý nghĩa nhớ về cội nguồn, tổ tiên, mong muốn cả gia đình được quây quần đông đủ thưởng thức những món ngon của ngày Tết truyền thống, cầu mong một năm mới an lành và hạnh phúc./.

Nguồn ĐCSVN