Báo động về tốc độ gia tăng số người tị nạn khí hậu

Theo tổ chức Hội đồng người tị nạn Na Uy (NRC), năm 2013 có tới 22 triệu người phải rời bỏ nhà cửa do các thảm họa tự nhiên. Con số này rung một hồi chuông báo động, kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp và hiệu quả tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Người dân Pakistan phải di chuyển trên con đường bị ngập lụt, ngày 19/8/2013 (Ảnh: AFP)

 

Nghiên cứu của NRC công bố ngày 17/9 cho thấy trong năm 2013, các thảm họa tự nhiên đã dẫn đến một làn sóng di cư đông gấp 3 lần so với các cuộc xung đột và điều này minh chứng tính cấp bách cần phải đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Thêm vào đó, theo nghiên cứu, vấn đề đang trở nên tệ hơn khi số người di cư trên thế giới hiện cao hơn 2 lần so với vào năm 1970. Điều này được lý giải bằng tốc độ đô thị hóa gia tăng mạnh mẽ trong vòng 40 năm qua tại các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Trước tình hình đó, NRC lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp khẩn cấp, đưa ra các chính sách để vấn đề của những người di cư này được đặt là một ưu tiên trong các cuộc thảo luận đi đến thống nhất một thỏa thuận về biến đổi khí hậu vào năm 2015. “Các chính phủ phải bảo đảm rằng các dự án và các nhà tài trợ nhận thức được nguy cơ ngày càng tăng của những người di cư, tạo điều kiện cho những người di dời và di cư bằng cách cung cấp cho họ chỗ ở theo cách tôn trọng nhóm dân số dễ bị tổn thương” – nghiên cứu của NRC lưu ý.

Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng chỉ ra các kết quả của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), theo đó cho thấy các hoạt động của con người chịu trách nhiệm về số lượng ngày càng tăng các thiên tai. Hơn 80% những người phải di dời do thiên tai trong năm trước là ở châu Á.

Năm 2013, Philippines chịu những thảm họa nghiêm trọng nhất, với chỉ 2 cơn bão Haiyan và Trami đã khiến 5,8 triệu người phải di cư. Trong khi đó, so với quy mô dân số, 8 trong số 20 thảm họa tự nhiên nghiêm trọng nhất đã xảy ra ở châu Phi cận Sahara, và theo đó châu Phi ngày càng có thể bị ảnh hưởng khi tốc độ dân số tăng trưởng cao hơn ở những nơi khác.

Các nước giàu cũng không nằm ngoài biến động chung này, như Nhật Bản với cơn bão đã ập vào vùng Chubu, Mỹ với lốc xoáy ở Oklahoma, và Canada với lũ lụt ở Alberta…

Ngoài ra, báo cáo cũng cảnh báo về thảm họa thiên nhiên trong các khu vực xung đột, với nhiều đợt lũ lụt nặng nề ở Pakistan vào năm 2010./.

Nguồn ĐCSVN