Vì một nền kiến trúc xanh, hiện đại, đậm bản sắc dân tộc

       Nằm trong đại gia đình văn học – nghệ thuật Việt Nam, kiến trúc là nghệ thuật phản ánh sinh động và hiện thực diện mạo của đất nước. Trải qua những năm tháng xây dựng và phát triển, đặc biệt giai đoạn 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII của Ðảng, kiến trúc Việt Nam đạt nhiều thành tựu nhưng cũng bộc lộ những bất cập và thách thức, cần tiếp tục khắc phục.

Công trình Dolphin Plaza (Hà Nội) đoạt giải nhất kiến trúc quốc gia 2012.

Giai đoạn 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII là thời kỳ kiến trúc – đô thị Việt Nam chuyển mình mang nhiều ý nghĩa. Mạng lưới đô thị quốc gia đã được hình thành vững chắc; công tác quy hoạch đô thị – nông thôn trở thành nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp và của toàn xã hội, góp phần làm biến đổi diện mạo của đất nước cũng  như điều kiện sống và làm việc của nhân dân, là động lực quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội. Kiến trúc Việt Nam có bước đột phá không chỉ về quy mô mà cả về chất lượng, đem đến cho xã hội không chỉ cơ sở vật chất mà quan trọng hơn, là góp phần xây dựng và đổi mới nếp sống, lối sống và môi trường sống cho nhân dân ở thành thị và nông thôn, phù hợp với mục tiêu CNH, HÐH của nước ta. Kiến trúc di sản văn hóa được quan tâm tu bổ và bảo tồn, tôn tạo. Kiến trúc nông thôn đổi mới theo hướng tiện nghi và hiện đại. Ðội ngũ kiến trúc sư (KTS) Việt Nam cũng đã trưởng thành cả về lượng và chất, với hơn 15 nghìn người đang miệt mài lao động, sáng tạo nên nhiều khu đô thị mới, nhiều công trình kiến trúc đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của đất nước. 15 năm cũng là thời kỳ kiến trúc Việt Nam tham dự sâu rộng vào quá trình hội nhập, giao lưu, hợp tác quốc tế và khu vực. Nhiều tác phẩm kiến trúc của các KTS Việt Nam đã tham dự các cuộc thi và liên hoan kiến trúc quốc tế đã giành nhiều giải thưởng lớn có giá trị, đánh dấu sự hiện diện của KTS Việt Nam trong đời sống kiến trúc quốc tế. Những gương mặt KTS trẻ, tài năng, với con đường nghệ thuật gắn liền với văn hóa dân tộc đã góp phần thúc đẩy các xu hướng kiến trúc tiên tiến và bản sắc như KTS Võ Trọng Nghĩa, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Minh, v.v.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành kiến trúc Việt Nam cũng đang đứng trước không ít yếu kém và thử thách. Quy hoạch, kiến trúc đô thị – nông thôn chưa phát huy được vai trò xã hội, chưa hướng sự ưu tiên về đông đảo tầng lớp nhân dân lao động, nhất là nông dân và người nghèo đô thị. Tư duy và phương pháp lập quy hoạch còn chậm đổi mới, công tác nghiên cứu, thực thi và quản lý điều hành còn nhiều bất cập. Các công trình văn hóa, phúc lợi, nhà ở xã hội chưa được quan tâm đầu tư thích đáng. Nhiều khu vực cảnh quan thiên nhiên, nhiều không gian văn hóa di sản bị xâm lấn và hủy hoại. Nhìn diện mạo kiến trúc nước nhà hôm nay không khó nhận ra rằng, chúng ta xây dựng nhiều nhưng ít thành công về sáng tạo nghệ thuật. Kiến trúc phát triển chung chung mờ nhạt, thiếu bản sắc, tính hiện đại không triệt để, còn một khoảng cách khá xa với trình độ quốc tế. Ðối với các xu hướng kiến trúc tiên tiến và đang phát triển trên thế giới như kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, tiết kiệm năng lượng… cách tiếp cận và sự hiểu biết của chúng ta còn rất sơ lược. Ðội ngũ KTS hôm nay tuy đông đảo, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng lại phân bố không đều, phần lớn tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tạo nên bức tranh thừa và thiếu giả tạo về nhu cầu đào tạo và sử dụng KTS. Những năm qua đã xuất hiện một số KTS tài năng, có phong cách trong sáng tác, tạo nên thương hiệu, đang dần tụ hội những điều kiện để cạnh tranh quốc tế. Nhưng số lượng này chưa nhiều. Ðặc biệt là không có các KTS đầu đàn và các bậc thầy, đây là điều đáng lo ngại trong phát triển nghệ thuật kiến trúc nước nhà trong thời kỳ mới. Môi trường hành nghề của KTS trong nền kinh tế thị trường còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, về quyền tác giả, về chế độ thiết kế phí, về quy chế xét chọn và thẩm định dự án…

Nhìn ra thế giới, khu vực và nhìn vào chính mình, kiến trúc Việt Nam vốn dĩ giàu cá tính và truyền thống, bước vào hội nhập, chúng ta học và trưởng thành nhiều, nhưng cũng không tránh khỏi xu hướng quốc tế hóa. Kiến trúc nông thôn đang bị biến dạng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị phá vỡ trong quá trình đô thị hóa. Bức tranh kiến trúc đô thị vừa ngổn ngang, không trật tự, tự phát, thiếu sự quản lý. Chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức do toàn cầu hóa gây ra, đó là nguy cơ bị quốc tế hóa kiến trúc bản địa, nhưng lại lúng túng trong bản địa hóa kiến trúc quốc tế; trì trệ chậm đổi mới trong trong tư duy sáng tác và tiếp cận cái mới… cùng nguy cơ hiểm họa do biến đổi khí hậu trái đất đã và đang gây ra cho Việt Nam và các nước trên thế giới. Tất cả những yếu kém và thách thức nói trên đòi hỏi những nỗ lực và đổi mới không ngừng từ cơ quan lập chính sách và quản lý kiến trúc quy hoạch xây dựng, đào tạo, đến môi trường hành nghề, năng lực sáng tạo của mỗi KTS cùng trách nhiệm của xã hội, của cộng đồng và của Hội KTS Việt Nam.

Là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của giới KTS Việt Nam, Hội KTS Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ VIII (2010 – 2015) nỗ lực thúc đẩy kiến trúc Việt Nam phát triển nhanh, đúng hướng, bắt nhịp với xu hướng kiến trúc thế giới và khu vực, đó là kiến trúc của thời đại công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, kiến trúc sinh thái – kiến trúc xanh. Kiến trúc xanh là mục tiêu phát triển của kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, vừa phù hợp với truyền thống văn hóa – kiến trúc dân tộc, vừa đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội – môi trường sống của đất nước hiện tại và tương lai trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu. Hội KTS Việt Nam đưa ra năm tiêu chí kiến trúc xanh Việt Nam bao gồm: Ðịa điểm xây dựng bền vững; sử dụng tài nguyên – năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm chất lượng môi trường trong nhà; môi trường xã hội – nhân văn bền vững và kiến trúc tiên tiến – bản sắc. Phát triển kiến trúc xanh Việt Nam chính là thể hiện tính tiên tiến và bản sắc của kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn mới. Ðồng thời, để nâng cao chất lượng kiến trúc Việt Nam, Hội đã, đang vận động và tham gia xây dựng Luật Kiến trúc sư. Ðây là luật hành nghề của những người hoạt động sáng tạo kiến trúc.

Thúc đẩy phát triển kiến trúc xanh Việt Nam cùng với sự ra đời Luật Kiến trúc sư, Hội KTS Việt Nam mong muốn hiện thực hóa tinh thần và nội dung Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII của Ðảng; đồng thời nâng cao ý thức lao động sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ KTS nước nhà để đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và nền kiến trúc Việt Nam xanh, hiện đại và bản sắc trong thế kỷ 21.

Nguồn Nhân dân