40 năm sự kiện bảo vệ thành cổ Quảng Trị: Tưởng niệm và trách nhiệm

      “Trên dòng sông Thạch Hãn có bao nhiêu đợt sóng thì có bấy nhiêu niềm thương tiếc của chúng ta dành cho những người lính trẻ đã ngã xuống trên dòng sông này…”.

Ảnh: Lê Đức Dục

Nhà báo Tạ Bích Loan đã mở đầu chương trình truyền hình Quảng Trị - sáng mãi niềm tin chiến thắng diễn ra đêm 27-7 nhân 40 năm sự kiện bảo vệ thành cổ Quảng Trị bằng câu nói như thế. Nhưng hơn cả niềm thương tiếc, trên nền ký ức của những người lính trẻ đi qua cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, chúng ta nhận ra vẻ đẹp của tuổi trẻ, vẻ đẹp của một thế hệ, vẻ đẹp của sự dâng hiến.

81 chiếc ghế trống

Những người dự chương trình đêm 27-7 rất ngạc nhiên khi thấy có một hàng ghế bọc vải trắng đặt sát ngay mặt nước dòng sông, trên mỗi chiếc ghế có choàng thêm một chiếc mũ tai bèo và một bông cúc trắng. Hàng ghế ấy trước cả dãy ghế VIP, và để trống không có ai ngồi.

81 chiếc ghế ấy mang một ý nghĩa tượng trưng, đó là chỗ của hương hồn hàng ngàn người lính đã nằm lại trên dòng sông này 40 năm trước…

Không diễn tả nhiều về sự khốc liệt, chiến tranh chỉ hiện lên với hình ảnh người vợ trẻ và đứa con thơ gọi: “Bố ơi mau về nhé, về nhé…” vang vọng theo bóng người cha ra trận, hình ảnh những người lính lần lượt ngã xuống trong ánh chớp của đạn bom đã nói lên tất cả những gì đau thương nhất từ chiến tranh và nuôi nấng khát vọng hòa bình. Đó cũng là những suy tư của nhà điêu khắc Trần Luân Tín - một người lính của chiến dịch thành cổ Quảng Trị 1972 - đã viết trong tác phẩm Được sống và kể lại.

Sống và kể lại cũng là những gì mà những cựu binh thành cổ đã gửi gắm trong chương trình đêm qua. Những con người, những câu chuyện, những số phận, giữa lằn ranh sống và chết, người nằm lại và người trở về, từ kỷ vật nhỏ nhoi như chiếc rút dép, chiếc biđông hằn dấu đạn trước khi cướp đi sinh mạng người lính hay hành trình không mỏi mệt để tìm kiếm hài cốt đồng đội…

Sống và kể lại cũng là câu chuyện của một người lính bên kia chiến tuyến, giờ đây nhớ về cuộc chiến 40 năm trước với tất cả sự khâm phục tinh thần và ý chí của những người lính trẻ vào từ miền Bắc, rất nhiều người trong số họ là những sinh viên, khi Tổ quốc lên tiếng gọi, họ đã đi thẳng từ giảng đường ra chiến trường và cầm súng, cảm tử lao vào cuộc chiến!

40 năm trước, thành cổ Quảng Trị là hiện thân của những gì khốc liệt và can trường nhất. Tổng bí thư Lê Duẩn khi sinh thời đã từng nói về chiến dịch thành cổ: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải chúng ta là gang thép. Vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự, những con người VN với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

40 năm qua, ký ức của những người lính qua sông Thạch Hãn ngày ấy vừa nhói đau nhưng cũng vừa lắng lại phù sa để ươm mầm cho lớp trẻ hôm nay, rằng trên lớp phù sa ký ức ấy sẽ nuôi lớn niềm tin. Vì thế thông điệp của chương trình “Sáng mãi niềm tin chiến thắng” muốn gửi gắm không chỉ mang ý nghĩa của một lễ tưởng niệm, mà xa hơn là lời nhắc về trách nhiệm công dân, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay với Tổ quốc, hãy sống như những người lính trẻ 40 năm trước, sẵn sàng chọn cái chết cho nền hòa bình của đất nước, của nhân dân!