Xử lý nghiêm các sai phạm tại lễ hội truyền thống

Ngành VHTT&DL sẽ tham mưu cho các cấp chính quyền tập trung xử lý nghiêm sai phạm, đặc biệt là việc tổ chức không phép các lễ hội có yếu tố bạo lực nhằm chấn chỉnh hoạt động tổ chức và quản lý các lễ hội truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh cho người dân khi tham gia lễ hội.

Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở.

Đây là khẳng định của bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở ( Bộ VHTT&DL) trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ xung quanh công tác quản lý các lễ hội truyền thống đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Bà đánh giá như thế nào về tình hình quản lý các lễ hội truyền thống hiện nay ở nước ta?

Bà Trịnh Thị Thủy: Trong những năm gần đây, công tác quản lý, tổ chức lễ hội cơ bản đã thực hiện nghiêm theo các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội của của Đảng và Nhà nước. Hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, thành lập ban tổ chức, phân công trách nhiệm cho từng thành viên.

Nhiều lễ hội được tổ chức ngày càng tốt hơn, như: Lễ hội Yên Tử, lễ hội đền Cửa Ông (Quảng Ninh), lễ hội đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang)… Ban tổ chức đã xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong lễ hội, tập trung chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết xử lý các hành vi phản cảm trong lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi.

Vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đã từng bước được chấn chỉnh: Các cơ sở kinh doanh ăn uống đã được quán triệt và ký cam kết về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung.

Hầu hết các địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền các văn bản chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội của Đảng, Nhà nước và của Bộ VHTT&DL, tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích, lễ hội… hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Tuy nhiên, công tác quản lý và tổ chức lễ hội còn một số hạn chế như: Vẫn còn biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi, làm giảm giá trị nhân văn của lễ hội. Một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố bạo lực, chen lấn, xô đẩy, chèo kéo khách. Một số nơi việc thu gom rác thải chưa kịp thời, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và du khách chưa cao, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn diễn ra trong một số lễ hội.

Để hạn chế những hiện tượng này, Bộ VHTT&DL, sở VHTT&DL, sở VH&TT các tỉnh, thành phố đã nghiên cứu, đưa các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước tổ chức lễ hội trên địa bàn. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo quan niệm, người dân thường tìm đến các lễ hội, đền chùa đầu năm để xin lộc, cầu may, tuy nhiên, hiện nay không ít các lễ hội xuất hiện nhiều biến tướng như cướp lộc, cờ bạc, chơi đỏ đen… Bà lý giải như thế nào về những hiện tượng này?

Bà Trịnh Thị Thủy: Đi lễ hội đầu năm để cầu sức khỏe, xin lộc, cầu may là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong những năm gần đây đời sống kinh tế, văn hóa-xã hội của nhân dân đã được nâng lên, dẫn đến những thay đổi về nhu cầu, mục đích của người tham gia lễ hội. Hoạt động lễ hội ngày càng phong phú, đa dạng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách. Bên cạnh mặt tích cực, một số lễ hội xuất hiện nhiều biến tướng như cướp lộc, cờ bạc trá hình… vi phạm các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội.

Những hiện tượng nêu trên thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử, ý nghĩa lễ hội, về giá trị tín ngưỡng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là biểu hiện lệch lạc, thậm chí là “mù quáng” về tâm linh, sự thái quá về niềm tin với mong muốn cầu lộc, cầu tài, cầu phúc, cầu danh lợi, nên nhiều người giành giật, tranh cướp, dẫn đến những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, phản cảm. Để hạn chế những hiện tượng trên, Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, nghiên cứu xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh trong lễ hội.

Mặc dù ngành VHTT&DL đã có quy định không tổ chức các lễ hội thực hiện các hành vi mang tính bạo lực, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận… nhưng tại một số địa phương, trong các lễ hội vẫn tồn tại những hành vi này. Vậy có tình trạng “phép vua thua lệ làng” không, thưa bà?

Bà Trịnh Thị Thủy: Đối với những lễ hội còn duy trì các tập tục không còn phù hợp, Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục, chủ động làm việc với cơ sở và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Lễ hội đền Cửa Ông (Quảng Ninh)

Đầu năm 2017, các lễ hội có một số tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã có sự chuyển biến rõ rệt: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức chém lợn công khai giữa sân đình; hội đả cầu, cướp phết ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, không có nội dung tổ chức cướp phết, mà chỉ thực hành, trình diễn nghi lễ; lễ hội Đông Cuông (xã Thanh Khương, Văn Yên, Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu, một trong những hoạt động tế lễ truyền thống tại đền.

Tuy nhiên, vẫn có địa phương thực hiện chưa tốt công tác quản lý lễ hội nên còn hiện tượng thương mại hóa như thi chọi trâu không phép ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang…

Ngành VHTT&DL, ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội các địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Thông báo kết luận số 282/TB-BVHTTDL ngày 23/1/2017 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017, trong đó có nội dung tham mưu các cấp chính quyền xử lý sai phạm, đặc biệt là việc tổ chức không phép các lễ hội có yếu tố bạo lực trên địa bàn.

Mới đây, ngành VHTT&DL cho biết sẽ giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội; không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Bà có thể cho biết, vấn đề này đã và đang được Bộ VHTT&DL triển khai như thế nào?

Bà Trịnh Thị Thủy: Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội,… Bộ VHTT&DL đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đồng thời nhằm giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội, không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh như: Chỉ thị số 04/CT-BVHTTDL ngày 13/1/2016 về tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; Công văn số 93/BVHTTDL-VHCS ngày 13/1/2016 gửi các ban, bộ, ngành Trung ương về việc phối hợp chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công văn số 155/BVHTTDL-VHCS ngày 19/1/2016 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2016; Công văn số 5388/BVHTTDL-VHCS ngày 28/12/2016 của Bộ VHTT&DL về việc tăng cường công tác quản lý, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong lễ hội đầu xuân 2017.

Ngành cũng đã chủ động ban hành văn bản và phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội theo hướng tiết kiệm, an toàn, hiệu quả; đồng thời ban hành quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra; xây dựng kế hoạch và kiểm tra trước, trong và sau lễ hội.

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Nguồn Chính phủ