Vãn cảnh chùa Hang

       Con đường về chùa Hang nay đã được trải nhựa phẳng lì, nhưng không hề mất đi vẻ nguyên sơ của những dốc Võng, hang Hùm. Phía bên kia con đường, sự hiện hữu của núi Ngang, đồng lúa, bãi ngô trải dài màu xanh đến bất tận. Miên man theo câu ca vẫn hằng lưu luyến bước chân du khách đến với nơi cửa Phật linh thiêng: “Theo em về hội chùa Hang/ Con đường dải lụa vắt ngang sườn đồi/ Nhấp nhô núi đứng, núi ngồi/Cứ xanh cao tận lưng trời cùng mây…”.

       Theo sử sách, chùa Hang hay còn gọi là chùa Hương Nghiêm, thuộc xã An Khang (Tp Tuyên Quang). Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ XVI, thời nhà Mạc (Mạc Đăng Doanh), nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và gửi gắm niềm tin tinh thần của nhân dân vào đức Phật. Chùa nằm trong núi Hương Nghiêm, thuộc thôn Phúc Lộc, trong quần thể di tích với Thành nhà Bầu, bến Bình Ca. Đây là nơi có phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, mảnh đất có bề dày văn hóa với địa danh Trường Thi - nơi tổ chức thi cử của các triều đại phong kiến. Từ đầu thôn Phúc Lộc tới cuối thôn Tân Thành của xã An Khang có dãy núi mang dáng con rồng uốn lượn, núi Hương Nghiêm được ví như đầu rồng. Năm 1917, thực dân Pháp đã mở con đường qua xã An Khang và đã san ủi phần núi có hình cổ rồng.


 
Chùa Hang, xã An Khang (Tp Tuyên Quang) được tu bổ, thu hút
nhiều khách thập phương đến vãn cảnh


Chùa Hang được đặt trong hang đá sâu 50 mét, chỗ rộng nhất trong chùa khoảng 30 mét. Hang đá nằm sâu trong lòng núi, bốn bề nhũ đá buông phủ như những cây cổ thụ trên vách đá tạo cho chùa Hang một vẻ kỳ bí, linh thiêng. Càng vào sâu, nền chùa càng xuống thấp, ở giữa có một phiến đá giống như con thuyền buồm đang lướt sóng.

Từ mùng 6 - 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, khi mùa vụ nông nhàn, dân làng lại mở hội tế lễ cùng trò chơi dân gian, thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi về tham gia lễ rước nước và lễ cầu an theo các nghi thức cổ truyền. Nước được lấy từ sông Lô rước về chùa để cúng trong ngày hội và làm lễ trong suốt cả năm. Ngoài ra, ngày mùng 1, ngày rằm hàng tháng, dân làng lại tấp nập vào chùa thắp hương lễ Phật, cầu đức Phật ban cho dân cuộc sống yên lành, mùa màng bội thu, dân khang, nước thịnh. Chùa Hang từ lâu đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong và ngoài địa phương.

Được sự quan tâm của tỉnh, ngày 8 tháng Giêng âm lịch năm 2008 chùa Hang đã khôi phục lại lễ hội và được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Đại đức Thích Thanh Tân, trụ trì chùa Hang cho biết, để hội chùa Hang ngày càng thu hút nhiều du khách, chùa Hang đã đề xuất nhiều hình thức đổi mới các hoạt động, tôn tạo khu di tích chùa Hang tạo cảnh quan đẹp và hẫp dẫn người đi lễ hội. Cho đến nay, chùa đã hoàn thành các hạng mục như cổng chùa, gác chuông, một số chi tiết của hang động… và đang tiếp tục hoàn thiện khuôn viên chùa.