Từ ngày 07/3 đến 15/3/2020 xâm nhập mặn có khả năng đạt mức cao nhất từ đầu mùa khô đến nay

(THTG) Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu mùa khô năm 2019-2020 đến nay, đợt xâm nhập mặn đạt mức cao xảy ra từ ngày 8-14/2/2020 (đạt đỉnh ngày 12/2) với ranh mặn 4 g/l ở các cửa sông Cửu Long từ 55-74 km và dự kiến đợt xâm nhập mặn từ ngày 07/3-15/3/2020 khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô đến nay.

Chu tich kiem tra nuoc man 6Chu tich kiem tra nuoc man 5

Kiểm tra độ mặn. Ảnh: Bùi Phong

Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diễn biến xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3/2020 như sau:

Từ ngày 29/2-06/3/2020, xâm nhập mặn giảm theo kỳ triều xuống, nước ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông Cửu Long cách biển từ 45-55 km trở lên tại thời điểm triều thấp (chân triều).

Từ ngày 7-15/3/2020, xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường giữa tháng 2 Âm lịch và có khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô, phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn 4 g/l như sau:

– Sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây): Phạm vi ảnh hưởng sâu nhất từ 100-110 km, sâu hơn trung bình nhiều năm (TBNN) lớn nhất từ 25-32 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 3-5 km, thấp hơn 15-16 km so với mức sâu nhất năm 2016, sâu hơn ngày 12/2/2020 từ 6-13 km.

– Sông cửa Tiểu, cửa Đại: Phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 60 km, sâu hơn TBNN lớn nhất 22 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 5 km, sâu hơn khoảng 8-10 km so với mức sâu nhất năm 2016, sâu hơn ngày 12/2/2020 khoảng 5 km.

– Sông Hàm Luông: Phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 78 km, sâu hơn TBNN lớn nhất 35 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 5 km, sâu hơn khoảng 5 km so với mức sâu nhất năm 2016, sâu hơn ngày 12/2/2020 khoảng 4 km.

– Sông Cổ Chiên: Phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 70 km, sâu hơn TBNN lớn nhất 26 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 6 km, sâu hơn khoảng 5 km so với mức sâu nhất năm 2016, sâu hơn ngày 12/2/2020 khoảng 4 km.

– Sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề): Phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 70 km, sâu hơn TBNN lớn nhất 29 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 6 km, sâu hơn 6 km so với mức sâu nhất năm 2016, sâu hơn ngày 12/2/2020 khoảng 5 km.

– Sông Cái Lớn: Phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 62-65 km, sâu hơn TBNN lớn nhất khoảng 12 km, tương đương cùng kỳ năm 2016, thấp hơn khoảng 3 km so với mức sâu nhất năm 2016, sâu hơn ngày 12/2/2020 từ 4-7 km. Đợt xâm nhập mặn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng canh tác cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân.

Cuối tháng 3/2020, xâm nhập mặn có thể vẫn ở mức cao nhưng thấp hơn so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2.

Trên cơ sở đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và căn cứ nhận định của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn từ ngày 29/02 đến ngày 06/3/2020, khu vực cách biển từ 45-55 km trở lên có khả năng xuất hiện nguồn nước ngọt, nhất là khi triều thấp – chân triều, sau đó từ ngày 07/3 đến ngày 15/3/2020 tình hình xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn biến gay gắt trở lại, mặn xâm nhập sâu và ở mức cao hơn so với đợt mặn tháng 02/2020 và đợt mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016.

Qua số liệu quan trắc ngày 01/3/2020 của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang cho thấy mặn trên sông Tiền đang có xu hướng giảm, cụ thể như sau: Tại bến phà Tam Bình độ mặn đo được 6,89g/l giảm 0,20g/l so với ngày hôm trước; tại phà Ngũ Hiệp độ mặn đo được 5,78g/l giảm 0,40g/l so với ngày hôm trước; tại vàm Ba Rài độ mặn đo được 3,84g/l giảm 0,40g/l so với ngày hôm trước; tại vàm Cái Bè độ mặn đo được 3,62g/l giảm 0,60g/l so với ngày hôm trước; tại vàm Trà Lọt độ mặn đo được 2,33g/l giảm 0,90g/l so với ngày hôm trước; tại vàm Cái Thia độ mặn đo được 0,90g/l giảm 1,40g/l so với ngày hôm trước.

song tien do man-2-logo

Từ ngày 29/02 đến ngày 06/3/2020, độ mặn trên sông Tiền sẽ giảm. Ảnh: Minh Trung

Qua số liệu quan trắc và nhận định trên cho thấy khả năng có thể xuất hiện nước ngọt (từ ngày 29/02 đến ngày 06/3/2020) sẽ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Nhằm tận dụng cơ hội, tranh thủ thời gian lấy, tích trữ tối đa khi có nguồn nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt: Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang; Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Tiền Giang và UBND các huyện thị phía Tây cần thường xuyên theo dõi, quan trắc độ mặn trong thời gian nêu trên, kịp thời vận hành tích trữ ngọt tối đa nguồn nước vào hệ thống công trình khi độ mặn ở mức cho phép.

Phúc Huy