Tiếp thêm động lực mới cho quan hệ Việt-Trung

Hôm nay (5/11), Việt Nam chào đón vị quốc khách, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc – Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương này, quan hệ quốc tế năm 2015 vần vũ gió mưa, cơ hội đan xen thách thức. Đối với một nước có vị trí địa-chiến lược độc đáo như Việt Nam – phía bắc giáp Trung Quốc, phía đông đối diện với bờ tây của Biển Đông với đường bờ biển dài 3260 km và hơn 3000 hòn đảo –, quan hệ quốc tế là một sàn diễn lớn. Trên sàn diễn ấy, các nước nhỏ và vừa phải biết sử dụng thành thạo các đòn bẩy chiến lược và chiến thuật trong quan hệ với các nước lớn, đặt lý trí lên trên cảm tính. Có những việc nước khác làm thì Việt Nam không thể làm. Nhiều việc, Việt Nam lại phải xử lý khác với các nước khác. Nhưng làm gì thì làm, điều cốt yếu là phải giữ vững độc lập, tự chủ và tối ưu hóa lợi ích quốc gia.

Việt Nam chào đón vị quốc khách, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc – Chủ tịch Tập Cận Bình là sự kiện rất quan trọng và có ý nghĩa tốt đẹp đối với quan hệ hai nước.

1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12-2011 – Ảnh TTXVN

Chuyến thăm của Chủ tịch nước/Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trước thềm Đại hội lần thứ 12 của Đảng ta. Trung Quốc đang nỗ lực điều chỉnh cơ cấu kinh tế và xây dựng mô hình phát triển mới. Trung Quốc rất chú trọng thực hiện chính sách ngoại giao “Đại chu biên” (tức là quan hệ láng giềng mở rộng), trong đó có các nước láng giềng trực tiếp ở Đông Nam Á. Trong những năm tới, bộ máy đối ngoại của quốc gia đất rộng người đông này đặt trọng tâm triển khai chiến lược “Một vành đai Một con đường”, hay còn gọi là “Nhất đới Nhất lộ”, mà Con đường tơ lụa trên biển (MSR) sẽ xuất phát từ các cảng ở bờ biển đông nam Trung Quốc đi qua Biển Đông, qua các nước Đông Nam Á, từ đó sang Ấn Độ Dương, tiếp cận các điểm thủy bộ ở Nam Á và Đông Phi, tiến về Vịnh Ba Tư, và tại Nam Âu sẽ kết nối với Con đường tơ lụa mới trên bộ (NSR). Ý tưởng lớn này mang tên Tập Cận Bình, nếu thành tựu, sẽ kết nối 3 châu lục Á-Phi-Âu, góp phần quan  trọng thúc đẩy quá trình “đi ra ngoài” của kinh tế Trung Quốc và giao thương quốc tế.

Ở Đông Bắc Á, Trung Quốc chủ động hòa hoãn với Nhật Bản, làm tan băng quan hệ Trung-Nhật, thúc đẩy cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại ba bên Trung-Nhật-Hàn và từ đó góp phần khai thông cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực châu Á (RCEP).

Việt Nam đang tích cực tái cơ cấu nền kinh tế, chuẩn bị tham gia khối liên kết kinh tế  thương mại hiện đại của thế kỷ 21 – hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam cùng với các quốc gia ASEAN khác tích cực triển khai Cộng đồng kinh tế ASEAN (EAC). Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư sang Việt Nam để đón bắt những cơ hội mà quá trình liên kết kinh tế mới của Việt Nam mang lại.

Năm 2015, Việt Nam đã mở rộng các quan hệ với các trung tâm quyền lực của thế giới – Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU.

Trong bối cảnh đó, cuộc gặp thượng đỉnh Việt-Trung tại Hà Nội sẽ mang ý nghĩa thời sự về chính trị, kinh tế, thương mại, tiếp thêm động lực mới cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước thiết lập từ năm 2008. Vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập trong phối cảnh rộng lớn của quan hệ hai nước và sẽ không nằm ngoài những thỏa thuận cấp cao đạt được trong mấy năm gần đây, vào dịp chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2013), của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (2015), và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Khắc Cường (2013).

Với những thành tựu đối ngoại mà nước ta triển khai thành công trong năm 2015, giờ thế đối ngoại của Việt Nam đã được tăng cường. Giờ là lúc nước ta phải tiếp tục chuyển hóa thế mới thành lực mới. Bên cạnh đó, quan hệ tốt với Trung Quốc thì phát huy tốt quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, ASEAN, và ngược lại. Mỹ tiếp tục hòa hoãn, trong mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh với Trung Quốc; quan hệ Nhật-Trung đang tan băng; các nước trong khu vực Đông Á phát triển quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc, đồng thời tập trung vào việc quản lý các biến động kinh tế trong nước nhằm thích ứng với trạng thái mới – còn được gọi là “thường thái mới” – của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Việt Nam nắm bắt xu thế chính trị quốc tế của khu vực. Cải thiện quan hệ với Trung Quốc cũng tạo thêm điều kiện thuận lợi trong quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng phía Tây và Tây Nam.

Quan hệ Việt-Trung có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Đồng thời, ổn định và phát triển quan hệ Việt-Trung lên một tầng nấc mới sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực quan trọng này của thế giới./.

Nguồn : Báo Tổ Quốc