Sẽ tăng mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, mức đóng BHYT của đối tượng học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở và được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. Từ ngày 1-5, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng/tháng, cho nên, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên năm học 2016-2017 sẽ là 457.380 đồng/năm, thay vì 434.700 đồng như năm học trước.


Bác sĩ Bệnh viện đa khoa thành phố Vĩnh Yên khám bệnh cho học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (Vĩnh Phúc).

Năm học trước, tại một số địa phương, học sinh đã tham gia BHYT 15 tháng, thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết tháng 12-2016, vì thế, vào đầu năm học này, việc tăng mới tác động chủ yếu đến các học sinh lớp 1 và sinh viên năm thứ nhất. Đây là năm đầu phụ huynh được giãn thời gian đóng BHYT đến cuối năm, tránh cùng lúc đóng nhiều khoản tiền khi vào đầu năm học. Theo Văn bản số 4660 ngày 10-9-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2015-2016, các cơ sở giáo dục và đào tạo không được tổ chức thu các khoản bảo hiểm tự nguyện (có nơi gọi là bảo hiểm toàn diện, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm tai nạn…), nhưng do văn bản này ban hành sau khi một số trường đã thu xong tiền cho nên việc thực hiện bảo hiểm tự nguyện trong trường học chưa thật sự chấm dứt. Năm nay, có thể có trường vẫn “lách” bằng cách thu qua ban phụ huynh của lớp hoặc thu chung trong khoản tiền đầu năm. Trong khi BHYT chưa thu đầu năm học, nếu vẫn tổ chức bán bảo hiểm tự nguyện như mọi năm rất dễ gây nhầm lẫn cho phụ huynh về khoản BHYT bắt buộc của Nhà nước. Do đó, năm học 2016-2017 này, ngành giáo dục cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nhà trường trong việc thực hiện quy định không thu bảo hiểm tự nguyện. Phụ huynh cần phân biệt rõ giữa BHYT và bảo hiểm tự nguyện để thực hiện đúng nghĩa vụ và bảo đảm quyền lựa chọn của mình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm học này, một số đơn vị kinh doanh bảo hiểm tự nguyện vẫn có kế hoạch triển khai bán tại các nhà trường như những năm học trước. Để thực hiện nghiêm quy định và giảm áp lực về tài chính cho phụ huynh vào đầu năm học, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiêm túc thực hiện không bán bảo hiểm tự nguyện trong trường học.

Một trong những bất cập của BHYT học sinh, sinh viên cần được giải quyết là tình trạng một số trường không phổ biến cho phụ huynh, học sinh được lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu phù hợp. Trong khi đó, theo quy định của Luật BHYT, học sinh, phụ huynh được quyền đăng ký KCB ban đầu tại một cơ sở KCB trong danh sách của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) gửi cho các trường. Thế nhưng, nhiều trường đã tự ý đăng ký thay cho học sinh, phụ huynh, dẫn đến tình trạng học sinh bị bắt buộc khám ở cơ sở y tế xa nhà hoặc trạm y tế phường mà phụ huynh thấy không bảo đảm về điều kiện KCB… Việc đăng ký KCB ban đầu cần được quan tâm để người tham gia BHYT nhận thấy quyền lợi của mình được bảo đảm. Phó Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho rằng, khi thu BHYT, nhà trường cần hỏi ý kiến phụ huynh về việc đăng ký KCB cho học sinh ở đâu, việc không hỏi ý kiến của phụ huynh mà cứ tự gửi danh sách lên cơ quan BHXH hoặc đăng ký hộ cho học sinh là làm mất quyền lựa chọn của phụ huynh, học sinh. Để phụ huynh dễ lựa chọn cơ sở KCB cho con em mình, cơ quan BHXH cần lập danh sách các cơ sở KCB trên địa bàn gửi về các trường và đăng công khai trên trang điện tử của Sở Y tế, BHXH. Đồng chí Lê Văn Khảm cũng lưu ý, cơ quan BHXH và sở y tế các địa phương cũng cần có thông tin đầy đủ về việc cơ sở KCB nào đã quá tải, không thể nhận thêm người bệnh KCB BHYT để phụ huynh lựa chọn và đăng ký KCB ở cơ sở y tế khác. Đây là việc phân luồng người đăng ký, giảm tình trạng quá tải cho cơ sở KCB và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh khi khám bệnh mà không phải chờ đợi lâu.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, cả nước hiện nay còn khoảng hai triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT, tập trung chủ yếu tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Mặc dù mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT quy định sinh viên có thể bị xử lý từ nhắc nhở, khiển trách hoặc buộc thôi học nếu cố tình chậm, không nộp BHYT mà không có lý do chính đáng, nhưng đó vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Với những trường hợp sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế không thể tham gia BHYT thì hiện nay chưa có hướng giải quyết. Trong khi đó, giá dịch vụ y tế theo lộ trình sẽ tăng 50% so với hiện nay, là gánh nặng khi đau ốm đối với những người chưa có thẻ BHYT. Được biết, Bộ Y tế đang trình Chính phủ phương án tăng mức hỗ trợ BHYT cho học sinh, sinh viên lên 50% thay vì 30% như hiện nay nhằm giảm bớt khó khăn trong thực hiện BHYT cho nhóm đối tượng này.

Nguồn Báo Nhân Dân