Sau Tết, người dân đổ về thành phố

Trong hai ngày 12 và 13-2, người dân các tỉnh về quê đón Tết bắt đầu quay trở lại thành phố và đô thị lớn, chuẩn bị nhịp độ làm việc, sinh hoạt bình thường. Ngày 13-2, lượng hành khách đổ về các bến xe ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ,… đã tăng mạnh, tuy nhiên tình hình bên ngoài bến xe, những đoạn đường dẫn có nhiều xe khách đi qua nhìn chung không bị ùn ứ nghiêm trọng như mọi năm…

 

1

 

Người dân từ các vùng miền trở lại TP Hồ Chí Minh sau kỳ nghỉ Tết dài ngày. Ảnh: TỨ QUÝ

  

 

Ùn tắc ở Cửa ngõ thủ đô

Ngày 13-2 (mồng 6 Tết), dù chưa phải là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng từ sáng sớm, nhiều người dân từ các nơi đã trở lại Hà Nội. Trời nắng ấm, ngoài phương tiện ô-tô, có nhiều người ở các tỉnh ven Hà Nội lựa chọn đi xe máy. Càng về chiều, lượng phương tiện càng đông khiến nhiều tuyến đường dẫn về thành phố bị ùn tắc. Đặc biệt, tuyến đường vành đai 3 trên cao, từ đầu đường cao tốc Pháp Vân đến đường Phạm Hùng, dòng xe ô-tô nhích từng chút, phải hàng giờ sau mới thoát được. Tình hình này cũng diễn ra trên các tuyến quốc lộ 5, quốc lộ 6, quốc lộ 1 (cũ), quốc lộ 32. Tại các tuyến cửa ngõ vào thành phố như Nguyễn Hữu Thọ, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Cừ,… dòng phương tiện hỗn hợp đan xen nhau, di chuyển khá chậm. Nhiều người điều khiển xe máy mệt mỏi do phải đứng quá lâu trong nắng nóng, giữa dòng xe ngột ngạt.

Tại các bến xe trên địa bàn, lượng xe từ các tỉnh về bắt đầu tăng mạnh, chật cứng hành khách. Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội Nguyễn Tùng Anh cho biết: Số lượt xe về bến tăng 30% so ngày thường và tiếp tục tăng lên khoảng 50% vào ngày hôm nay. Các bến đã sẵn sàng phương án tăng cường xe buýt để giải tỏa nhanh hành khách, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông (ATGT) trong khu vực. Các lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông và công an quận, huyện đã huy động tối đa lực lượng chốt trực tại những điểm giao cắt để phân luồng phương tiện, kiểm soát vi phạm nhằm hạn chế những xung đột giao thông, tránh ùn tắc kéo dài.

Đến chiều 13-2, tình hình giao thông tại các cửa ngõ TP Hồ Chí Minh chưa xảy ra vụ ùn tắc nào nghiêm trọng. Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, Tết năm nay được nghỉ dài ngày, lượng hành khách về quê trở lại thành phố sẽ không tập trung ồ ạt vào một thời điểm như nhiều năm trước. Đến nay, số lượng người dân trở lại TP Hồ Chí Minh chỉ tăng từ 5 đến 10%. Các tuyến giao thông chính như quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 51 và Xa lộ Hà Nội, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây,… các phương tiện giao thông đi lại thuận lợi. Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông Thượng Thanh Hải dự báo, lượng hành khách từ các tỉnh trở lại TP Hồ Chí Minh đông nhất là ngày hôm nay, ước khoảng 50 nghìn lượt khách và số lượng ô-tô khách ra vào bến dao động từ 1.600 đến 1.800 lượt xe/ngày. Các bến xe cũng đã xây dựng kế hoạch phục vụ người dân sau Tết, sẽ tăng cường 100% xe trên tuyến, kể cả lượng xe nhàn rỗi của các doanh nghiệp. Ga Sài Gòn đã tăng cường gấp hai lần số đoàn tàu so với ngày thường, khoảng 18 đến 20 đoàn tàu sẵn sàng đón 11 đến 14 nghìn lượt khách/ngày trở lại TP Hồ Chí Minh. Theo Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, năm nay, ngành đã chủ động phục vụ hành khách, không để ai nằm chờ tại bến, tăng cường hàng trăm lượt xe buýt sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển tải. Đồng thời, yêu cầu các bến xe, ga tàu, bến phà, sân bay cũng như lực lượng chức năng huy động 100% quân số, giải tỏa kịp thời tình trạng ùn ứ trong các ngày cao điểm sau Tết. Tại các tuyến cửa ngõ vào thành phố, thường xuyên túc trực suốt 24 giờ để phân luồng và hướng dẫn lộ trình phù hợp cho người và phương tiện,…

Ngày 13-2, tại cầu Cần Thơ, rất đông người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long di chuyển bằng xe gắn máy về TP Hồ Chí Minh đã dừng lại giữa cầu để chụp ảnh, tham quan, cùng với đó, nhiều người dân tràn ra cầu bán hàng rong, làm mất trật tự ATGT, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Mặc dù lực lượng chức năng đã được huy động nhưng vẫn không giải tỏa hết lượng người tụ tập trên cầu. Trong ngày, lượng hành khách qua lại các bến xe trên địa bàn TP Cần Thơ đã tăng khoảng 60% so với ngày thường. Tuy nhiên, không xảy ra tình trạng ùn ứ khách tại các bến xe, hành khách về bến đều có phương tiện phục vụ an toàn, nhanh chóng. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe tàu Cần Thơ (đơn vị quản lý và khai thác bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ) Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Công ty và các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải tăng thêm 100 phương tiện, nên bảo đảm đủ phương tiện cho hành khách đi lại, không xảy ra tình trạng dồn ứ tại các bến xe, tàu. Trong ngày hôm nay, do dự báo lượng hành khách đi trên các tuyến sẽ tăng mạnh, Công ty cổ phần Bến xe tàu Cần Thơ đã phối hợp các lực lượng tiến hành tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn tại các bến xe, ga tàu nhằm hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc lôi kéo, chặt chém hành khách.

Vẫn còn hiện tượng “nhồi nhét, chặt chém”

Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trước tình hình tai nạn giao thông và vi phạm trật tự ATGT trong dịp Tết có chiều hướng gia tăng, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), sở GTVT các địa phương và một số đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo, đôn đốc hoạt động vận tải phục vụ Tết Nguyên đán. Theo đó, yêu cầu Tổng cục ĐBVN rà soát các đoạn tuyến để bảo đảm an toàn, bố trí lực lượng ứng trực vào hai ngày cuối của đợt nghỉ lễ (13 và 14-2), kiên quyết không để xảy ra ùn tắc kéo dài. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp cảnh sát giao thông và các lực lượng khác kiểm tra lái xe, nhân viên phục vụ, giám sát vi phạm về nồng độ cồn, nhồi nhét khách, tốc độ vận hành phương tiện, không để tình trạng chạy quá tốc độ, gây mất ATGT. Các đơn vị quản lý đường cao tốc, nhà đầu tư BOT bố trí lực lượng, không để xe máy, xe đạp đi vào đường cao tốc, phương tiện dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc, có phương án không để ùn tắc kéo dài tại trạm thu phí. Nếu xảy ra ùn tắc, phải mở tất cả các cửa, không thu phí để giải tỏa ách tắc.

Tuy nhiên, thực tế, do lượng hành khách trở về thành phố quá đông, đã xảy ra hiện tượng “nhồi nhét, chặt chém” hành khách. Đường dây nóng của Ủy ban ATGT quốc gia nhận được phản ánh của người dân về xe BKS 47V- 2455 chạy tuyến Đác Lắc – Hà Nội chở quá số người quy định; xe khách BKS 47B – 015.42 tuyến Krông Năng (Đác Lắc) – Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) tự ý tăng giá vé (từ 215 nghìn đồng lên 450 nghìn đồng) và chở quá số người quy định; xe Quang Hạnh chạy tuyến Tuyên Quang – Kim Sơn nhồi nhét khách,… Ở Cần Thơ, giá vé xe khách đi các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh đã tăng phụ thu 40% mức giá so ngày thường để bù chuyến xe chiều rỗng, thậm chí hành khách đi xe ngoài bến, đón xe dọc đường đã bị một số nhà xe “chặt chém” giá vé cao hơn từ 70 đến 100% so với trong bến. Tại sân bay Vinh (Nghệ An), bức xúc trước việc Hãng hàng không Vietjet Air nhiều lần hoãn rồi hủy chuyến bay, hàng trăm hành khách đã tập trung tại quầy bán vé của hãng yêu cầu làm rõ. Theo phản ánh, ngày 11-2, chỉ khi tới làm thủ tục, nhân viên của hãng mới thông báo tất cả ba chuyến bay của hãng từ Vinh đi TP Hồ Chí Minh bị chậm bốn giờ so thời gian dự kiến vì lý do thời tiết. Sau đó, nhân viên trả lại hành lý và thông báo cả ba chuyến bay không thể cất cánh, hoãn đến ngày 12-2. Đến 9 giờ sáng 12-2, hãng tiếp tục thông báo chậm chuyến.

Theo dự báo, hôm nay (14-2), ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, mật độ phương tiện từ các tỉnh đổ về những thành phố lớn sẽ rất cao, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, có thể xảy ra nhiều hành vi vi phạm quy định về trật tự ATGT. Ủy ban ATGT quốc gia đã yêu cầu các đơn vị, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là hỗ trợ người dân thông tin đi lại, hoạt động bảo đảm ATGT trong vận tải hành khách, chất lượng dịch vụ vận tải, an ninh tại bến xe, các điểm đón trả khách, bán vé và quản lý giá vé đúng quy định, quản lý luồng tuyến, kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm như nhồi nhét hành khách, tăng giá vé, bảo đảm chất lượng dịch vụ vận tải kể từ khi người dân bắt đầu chuyến đi đến khi kết thúc.

Lực lượng CSGT cần huy động tối đa lực lượng, phối hợp các lực lượng khác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về ATGT, nhất là các tuyến quốc lộ trọng điểm như quốc lộ 1, 5, 14, 51,… Trong đó, tập trung xử lý vi phạm quy định tốc độ khi lái xe; chở quá số người quy định, vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Lực lượng cảnh sát giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có phương án huy động lực lượng, bố trí tại các khu vực của ngõ, thực hiện phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, nhất là các tuyến cửa ngõ vào thành phố.

Bao Nhan Dan