Patrick Chauvel: Khởi nghiệp phóng viên chiến trường ở Việt Nam

     Có mặt tại Việt Nam để giới thiệu bộ phim “Phóng viên chiến trường” trong khuôn khổ LHP tài liệu châu Âu – Việt Nam 2013, Patrick Chauvel đã chia sẻ về cái nghiệp của mình, mà nơi khởi đầu chính là chiến trường Việt Nam năm 1968.

           

                                   
           

                        

     Có thể nói Patrick Chauvel sinh ra trong một gia đình có truyền thống “xê dịch”: ông nội làm đại sứ của Pháp, cha là phóng viên của AFP và Le Figaro, và chú ruột là nhà làm phim Pierre Schoendoerffer, qua đời đúng vào ngày Patrick đặt chân đến Điện Biên Phủ, Việt Nam.

     Năm 18 tuổi, Patrick đến Việt Nam, bắt đầu công việc phóng viên chiến trường, cũng là thời gian diễn ra cuộc chiến năm Mậu Thân 1968. Patrick kể, khi ông khởi nghiệp phóng viên, thực sự với bản tính yêu bản thân mình, ông coi công việc này giống như một cuộc khám phá hơn là làm việc: “Khi ngồi trên máy bay trực thăng, tôi và các đồng nghiệp còn cười đùa, trêu chọc nhau. Nhưng không lâu sau đó, khi nhìn thấy dân thường chết, tôi nhận ra có điều gì đó không phải. Những người chết nằm kia, họ không chỉ đơn thuần là con số thương vong. Chiến tranh có giọng nói khủng khiếp, và nó đến với bạn cực kỳ nhanh. Tôi nhận ra rằng những gì mình đang chứng kiến, trải qua, chịu đựng, đều lớn hơn rất nhiều so với cuộc sống bé nhỏ của mình”.

     Kể về cuộc chiến ở Việt Nam, Patrick cho biết: “Khi tôi đang loanh quanh trong khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn, bất thần ở một khúc quanh, tôi đâm sầm phải một anh lính giải phóng, lúc đấy cũng đang rất vội vã, cả hai cùng ngã quay lơ. Hai chúng tôi cùng nhìn nhau trân trối. Và tôi, trong bộ đồ của quân đội Mỹ, thứ duy nhất trên tay là chiếc máy ảnh, sau một lúc trân trân nhìn anh lính mới lắp bắp nổi nên lời “Pháp, Pháp”. Có lẽ thấy chiếc máy ảnh, cho nên anh lính cũng đoán được tôi là phóng viên và để tôi đi. Thời khắc mà tôi đâm vào anh lính ấy, chắc chắn trong đầu chúng tôi nghĩ đến chuyện khác chứ không phải chuyện chính trị”.

     18 tuổi, khi tham gia cuộc chiến, ông không nghĩ gì nhiều. Chỉ khi năm tháng dần qua, trải nghiệm nhiều hơn, ông mới có nhiều cảm xúc hơn, suy nghĩ nhiều hơn.

     Đi theo cuộc chiến ở Việt Nam trong 5 năm, Patrick cho biết trong thời gian đó đã có lúc ông muốn rời đi, nhưng rồi cuối cùng quyết định ở lại để tìm hiểu sự thật tại sao người Mỹ tiến hành cuộc chiến này.

     Ngoài cuộc gặp gỡ bất thình lình với anh lính giải phóng, Patrick còn gặp một người lính miền bắc khác. Ông kể: “Anh ấy là tù nhân chiến tranh, khi nhận ra tôi là người Pháp, anh đã cố gắng nói chuyện với tôi trong một lúc. Anh đã từng học ĐH Sorbonne ở Paris. Cha mẹ anh cũng là những người lính vệ quốc thời kháng chiến chống Pháp, và bây giờ đến lượt anh tham gia cuộc chiến chống Mỹ. Trước đây, tôi thường cho rằng đối phương hễ thấy chúng tôi là bắn chứ không thể có kiểu trò chuyện như thế này. Thế nhưng người lính này vô cùng dễ mến, anh đã khiến cho tôi “mở mắt” rất nhiều. Tôi nhận ra rằng đối phương, những người lính từ rừng ra, cũng là những người có học thức, có tình cảm”.

     Là phóng viên chiến trường, cũng có nghĩa là chấp nhận những rủi ro, giống như một người lính thực thụ. Patrick nói: “Nếu anh muốn được những người lính tham chiến chấp nhận, anh phải trở thành một trong số họ, nghĩa là đứng kề vai sát cánh bên họ, ngay trên tuyến đầu. Nếu anh chỉ tự coi mình là một du khách chuyên nghiệp, đồng nghĩa với việc anh đứng cách xa hiện trường ít nhất 100m, phía sau những bức tường, và đứng bên ngoài hàng rào của chuồng thú trong sở thú. Mạo hiểm cũng là một cái giá, đôi khi anh bị thương, nhưng bù lại, anh có được những hình ảnh và thông tin đắt giá phản ánh SỰ THẬT. Những người lính, dù ở bên nào, khi biết được phóng viên chiến trường đến từ một đất nước không có nhiều khó khăn gian khổ, sẽ đánh giá họ rất cao, và sẽ trở thành anh em của chính những phóng viên chiến trường này”.

     Tuy nhiên, không phải lúc nào công việc này cũng gắn liền với vinh quang và những lời khen ngợi. Ở đâu đó, lúc nào đó, vẫn luôn có những câu hỏi đặt ra về nhiệm vụ của phóng viên chiến trường khi đứng trước những hoàn cảnh cần phải can thiệp: “Người ta hay hỏi tôi, nếu gặp một người đang sắp bị giết, hoặc người sắp chết trong cuộc chiến, anh chọn việc nào, chụp ảnh hay can thiệp?” Câu trả lời của tôi rất rõ ràng: “Nhiệm vụ của tôi là phóng viên ảnh, cho nên tôi phải ưu tiên hoàn thành nó. Còn trong lúc đó, thường luôn luôn có người khác can thiệp. Tôi sẽ cứu khi tôi là người duy nhất ở đó”. Với Patrick, anh cần phải chụp được những bức ảnh để mọi người biết được điều gì đang xảy ra. “Chúng tôi không chỉ chụp để mà chụp, những cái chết đó nói lên được rất nhiều điều, và chắc chắn luôn mang lại điều gì đó cho công chúng”.

     Cuốn sách mang tên “Phóng viên chiến trường” của Patrick gom góp những gì tích lũy trong suốt quãng đời làm nghề của mình xuất bản năm 1998 và bán được 22 nghìn bản.

     Hàng chục năm lăn lộn với nghề vô cùng nguy hiểm này, kết quả là trên mình Patrick đầy những vết thương, đến mức bạn đồng nghiệp của ông bảo, nhìn Patrick cởi áo ra giống như có một tấm bản đồ trên người.

     “Lên đường nào”, câu nói này tóm lược toàn bộ cuộc đời của Patrick. Nhiệm vụ là phải tiến lên hàng đầu, nơi sự kiện đang xảy ra. “Tôi không phải là một phóng viên ảnh giỏi. Nhưng tôi vẫn và sẽ luôn gắn bó với công việc này” – Patrick khẳng định.