Nông dân chật vật trong “cơn bão” vật tư nông nghiệp

Giá vật tư nông nghiệp tăng “phi mã”, thậm chí có nông dân chua xót nói: “Chưa bao giờ thấy vật tư nông nghiệp giảm giá trong suốt năm 2022”. Vụ lúa thu đông vừa qua, trong nhiều lý do nông dân để đất trống có lý do sợ thua lỗ vì giá vật tư tăng quá cao. Nông dân trồng lúa, cây ăn trái, nuôi tôm không thể “bỏ đất trống mãi”.

Mô hình lúa hữu cơ  kết hợp nuôi tôm càng xanh của HTX Long Hiệp  (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh)  đạt hiệu quả cao. Ảnh: TÍN DI

Mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh của HTX Long Hiệp (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) đạt hiệu quả cao. Ảnh: TÍN DI

Chỉ tăng và tăng

Ông Phạm Công Danh (xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) nói như mếu: “Hơn 10 năm trồng 8ha lúa, chưa bao giờ thấy giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm, chỉ có tăng ít hay nhiều mà thôi. Trước đây, phân urê khoảng 400.000-500.000 đồng/bao (loại 47kg/bao), giờ vọt hơn 1 triệu đồng/bao. Với chi phí sản xuất tăng, vụ lúa thu đông này dù được mùa, nhưng lợi nhuận vẫn không thể nào cao như những vụ trước”.

Theo ông Danh, gần đây giá vật tư nông nghiệp tăng gấp đôi, ảnh hưởng đến sản xuất và lợi nhuận của nông dân. Đặc biệt, tháng trước giá xăng dầu tăng cao, nông dân tăng thêm khoản chi phí trong sản xuất và khâu vận chuyển. Còn bà Nguyễn Thúy Nga (xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) lo lắng khi giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón tăng chưa có điểm dừng. “Mỗi hécta lúa phải bón từ 600-700kg phân các loại. Vụ lúa rồi, lợi nhuận đã giảm 40% vì giá phân bón tăng. Hiện nay tất cả các loại phân bón tiếp tục tăng cao,  nguy cơ vụ đông xuân 2022-2023 sắp tới sẽ bị lỗ vốn nếu giá lúa không tăng”, bà Nga chia sẻ.

Ngăn chặn tình trạng trục lợi, tăng giá vật tư nông nghiệp

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, ngành đang tăng cường tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để tình trạng trục lợi, tăng giá hoặc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể là tăng cường lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm phân bón. Thông báo kế hoạch sản xuất, lịch thời vụ, quy mô sản xuất các loại cây trồng đến doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp để chủ động cân đối, cung ứng giống, phân bón… đáp ứng kịp thời cho sản xuất.

Trong 6 tháng gần đây, giá phân bón tăng rất cao, có những loại tăng giá trên 100%. Chẳng hạn, giá phân urê là 16.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ các năm chỉ khoảng 6.700 đồng/kg. Nhiều chủ đại lý phân bón cũng than khó vì các loại phân bón tăng gần gấp đôi, khiến việc kinh doanh rất khó khăn. Ông Nguyễn Phước Hưng, chủ đại lý phân bón Hưng Lợi (xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) cho hay, hiện tại giá phân urê khoảng 960.000 đồng/bao, giá kali sản xuất trong nước cũng đã gần 800.000 đồng/bao… So với cùng kỳ năm trước, giá các loại phân bón tăng ít nhất 80% trở lên, trong đó tăng cao nhất là urê trên 125%, phân DAP tăng 150%.

Nông dân chật vật trong 'cơn bão' vật tư nông nghiệp ảnh 1
Nông dân Hậu Giang sử dụng drone bay phun thuốc đúng liều lượng hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật
Tại vùng bán đảo Cà Mau, nông dân đang chịu thiệt kép khi giá thức ăn thủy sản tăng vọt nhưng giá tôm lại giảm vào cuối năm. Thông thường giá tôm tăng cao vào cuối năm do các nhà máy đẩy mạnh thu mua, chế biến để cung cấp cho các đơn hàng xuất khẩu, nhưng năm nay lại khác. Theo các thương lái tại ĐBSCL, trong 2 tháng gần đây, giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh. Người nuôi tôm cho biết, giá tôm có thời điểm tăng và giảm khác nhau nhưng giá vật tư, thức ăn thủy sản hầu như chỉ có tăng mà không giảm. Vì vậy, người nuôi lời ít hoặc không có lợi nhuận.

Ông Trần Văn Việt, Giám đốc HTX Nuôi tôm công nghiệp Thành Công (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Nông dân nuôi tôm đối diện với nhiều khó khăn như thời tiết, dịch bệnh và đặc biệt là giá thức ăn tăng cao. Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến giờ, giá thức ăn cho tôm đã nhiều lần điều chỉnh tăng. Vì vậy, nông dân thu hoạch rơi vào thời điểm giá tôm thấp thì sẽ thua lỗ”.

Tìm giải pháp thích ứng

ĐBSCL có gần 3 triệu hécta trồng lúa, cây ăn trái và nuôi thủy sản, nhu cầu sử dụng hàng triệu tấn vật tư nông nghiệp trong năm. Riêng vụ lúa đông xuân 2022-2023, ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha lúa. Tính toán sơ bộ của các sở NN-PTNT trong vùng, cần khoảng 1 triệu tấn phân và khoảng 10.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với giá vật tư tăng vọt, diễn biến giá xăng dầu càng làm nông dân thêm lo lắng. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp và các địa phương trong vùng đang nỗ lực giúp nông dân áp dụng đồng bộ các giải pháp sản xuất tiến bộ để giảm lượng giống và lượng phân bón.

Theo Bộ NN-PTNT, có 40.000-60.000ha lúa/vụ ở ĐBSCL đã áp dụng các mô hình sản xuất theo hướng tiết kiệm vật tư nông nghiệp, thân thiện với môi trường như: sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, canh tác lúa thông minh, sản xuất lúa an toàn sử dụng khoáng tự nhiên không phun thuốc thuốc bảo vệ thực vật… Hầu hết các mô hình sản xuất lúa đều giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản phẩm từ các mô hình này có đầu ra ổn định, tăng thu nhập, tạo được vùng nguyên liệu, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến sản xuất bền vững. So với ruộng không áp dụng theo quy trình, các mô hình này đã giúp nông dân đạt lợi nhuận cao hơn ruộng không áp dụng mô hình từ 3-8 triệu đồng/ha. Đây được xem là giải pháp thiết thực giúp nông dân thích nghi và duy trì lợi nhuận tối thiểu từ sản xuất lúa. Tuy nhiên, diện tích áp dụng các mô hình này vẫn còn ở mức khiêm tốn, cần nhanh chóng nhân rộng các mô hình này là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Theo ý kiến của các nhà khoa học và nhiều nông dân, các địa phương cần tăng cường kiểm soát giá phân bón bán buôn ở các đại lý vật tư, nhất là kiểm soát chặt mức “hoa hồng” ở mức vừa phải, không để tăng quá cao. Ngoài ra, hiện hàng ngàn nông dân trồng lúa, trồng cây ăn trái có hợp tác với doanh nghiệp (bao tiêu sản phẩm), thì giá vật tư do doanh nghiệp cung cấp thường thấp hơn mua ở các đại lý 5%-15%. Đây là cách làm hay cần nhân rộng để giảm trung gian ở các đại lý, giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Nguồn SGGP