Nông dân cần cảnh giác với bệnh cháy lá đang gia tăng trên cây sầu riêng

(THTG) Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang thì toàn tỉnh hiện có khoảng 5.600 ha sầu riêng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cháy lá, chiếm 25,7% diện tích sầu riêng của tỉnh, đang được các cấp các ngành kiểm soát và hướng dẫn nhà vườn các biện pháp khắc phục.

Tiền Giang hiện có khoảng 5.600 ha sầu riêng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cháy lá. Ảnh: Chiêu Nam

Đến thời điểm hiện tại thì huyện Cai Lậy có khoảng 3.160 ha sầu riêng bị cháy lá, huyện Cái Bè có 1.860 ha, thị xã Cai Lậy có 340 ha và huyện Châu Thành có khoảng 240 ha. Phần lớn diện tích có tỷ lệ cháy lá dưới 30%. Một số nguyên nhân gây ra cháy lá sầu riêng là: cháy lá do sinh lý vì vườn suy kiệt sau thu hoạch kết hợp ảnh hưởng thời tiết; do giá sầu riêng cao, nhà vườn nôn nóng xử lý ra hoa khi cây chưa đủ các cơi đọt cần thiết nên cây suy yếu; cây để quá nhiều trái; không cung cấp đủ nước cho cây; không trữ nước trong mương vườn theo khuyến cáo, pH đất <5; vườn chăm sóc kém, không bón đầy đủ phân hữu cơ, bón quá nhiều phân vô cơ để tăng năng suất,…

Các cơ quan chuyên môn của ngành Nông nghiệp Tiền Giang đang tăng cường phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật để phòng trị bệnh cháy lá, hạn chế gia tăng thêm diện tích nhiễm mới. Hiện nay do thời tiết nắng nóng kết hợp xâm nhập mặn là điều kiện bất lợi trong canh tác cây sầu riêng, vì vậy các địa phương cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp quản lý hiện tượng cháy lá sầu riêng, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay.

Kim Nữ