Những kinh nghiệm quý giá cho bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

                                                                                  
                      

            Nhìn lại 10 năm thực hiện Công ước của UNESCO về bảo tồn văn hóa phi vật thể, không chỉ để biết được những gì đã làm được và những gì cần rút kinh nghiệm, mà điều này còn có tác dụng không nhỏ đối với việc bảo tồn nhiều di sản khác của Việt Nam.

                

     Những kinh nghiệm từ thế giới

     Cuộc hội thảo “10 năm thực hiện Công ước của UNESCO về bảo tồn văn hóa phi vật thể” – bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai” thu hút hàng chục nhà nghiên cứu, bảo tồn di sản tên tuổi từ khắp nơi trên thế giới đến chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những ý kiến giá trị về thực trạng của việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hiện nay.

          

                                     Trình diễn đờn ca tài tử - loại hình trình diễn đang làm hồ sơ trình UNESCO – tại hội thảo.                          

                                                       

                                                     Trình diễn đờn ca tài tử – loại hình trình diễn đang làm hồ sơ trình UNESCO – tại hội thảo.                                                          

                           

     Gần gũi với Việt Nam, Myanmar là một nước đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn văn hóa thông qua các cộng đồng liên quan, mặc dù nước này chưa ký và thông qua Công ước.

     Ông San Win, thuộc Bộ Văn hóa Myanmar chia sẻ những kinh nghiệm hết sức cụ thể của Myanmar, trong đó quan trọng nhất là giáo dục thế hệ trẻ, gắn vai trò bảo tồn văn hóa với sợi dây kết nối giữa thế hệ cũ với thế hệ mới. Ông San Win cho biết, với mục tiêu bảo vệ và phổ biến di sản văn hóa Myanmar, những việc cần làm được đưa ra một cách rất cụ thể là: Nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa, ví dụ như những ngôi chùa cổ, bia đá chạm khắc, những ấn phẩm gốc và những ấn phẩm trên giấy parabaik, những công trình kiến trúc cổ và các loại hình trang trí, duy trì, phổ biến và phục hồi nền văn học Myanmar, âm nhạc, trình diễn sân khấu theo phong cách Myanmar, bảo tồn, duy trì và phát triển nghệ thuật Myanmar và nghề thủ công theo phong cách truyền thống, mặc trang phục Myanmar phù hợp với văn hóa truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ Myanmar biết cách cư xử, nói năng phù hợp với những lời khuyên, lời giảng trong tôn giáo, của giáo viên và cha mẹ…

     Trong đó, vai trò của Bộ Văn hóa Myanmar được đặt lên hàng đầu, với những trách nhiệm chính đang được thực hiện là bảo tồn di sản văn hóa Myanmar để phong cách và văn hóa Myanmar phổ biến rộng rãi, tạo ra các sản phẩm/công trình mỹ thuật, thúc đẩy sự tiến bộ của nhà nước và công chúng, giúp các nghệ sĩ tạo ra những sản phẩm mỹ thuật không chỉ để giải trí mà còn để nâng cao hiểu biết, giáo dục công chúng thấm nhuần những quan điểm phổ biến, phát triển tính đoàn kết, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước trong người dân, loại trừ những nét xấu trong nền văn hóa, phát triển tinh thần dân tộc trong việc quảng bá văn hóa.

     Một thành viên ASEAN khác là Indonesia lại đưa ra những kinh nghiệm bảo tồn dựa trên cơ sở hợp tác với các nước khác, với thí dụ cụ thể là múa rối bóng, một loại hình nghệ thuật trình diễn phổ biến ở Indonesia và các nước ASEAN khác.

     Năm 2006, Indonesia bắt đầu đưa ra sáng kiến hợp tác ASEAN đối với bảo tồn múa rối (ở Indonesia, múa rối còn có tên gọi là wayang), thông qua trao đổi các nghệ sĩ múa rối trong mỗi một nước của 10 nước ASEAN. Liên hoan múa rối lần đầu tiên của các nước ASEAN theo kế hoạch được tổ chức ở Gedung Pewayangan Kautaman ở Jakarta vào đầu tháng 12- 2006.

     Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu khác từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Nigeria, Thái-lan… cũng đưa ra những bài học kinh nghiệm của riêng mình, dựa trên những loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của mỗi nước.

     Bài học cho Việt Nam

     Trong 10 năm, Việt Nam cũng đã có những bài học kinh nghiệm cho riêng mình, và cũng có một số địa phương thực hiện thành công việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, giáo dục tốt cho thế hệ trẻ và xây dựng được một đội ngũ “truyền nhân”” kế cận tuy chưa thể sánh với thế hệ trước, nhưng cũng đã là những tín hiệu tốt.

     PGS, TS Lê Thị Hồng Phương, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phân tích từ năm loại hình trình diễn của chúng ta đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, gồm hát xoan Phú Thọ, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù. Cụ thể, nhiều thay đổi rõ rệt trong hai giai đoạn trước và sau khi được công nhận đã cho thấy tác động của việc bảo tồn đúng hướng lên một số trong năm loại hình nghệ thuật trình diễn kể trên. Thí dụ, Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế trước đây chỉ có hai đoàn, trình diễn 1-2 suất/ngày, tuy nhiên bây giờ đã có ba đoàn thay nhau diễn liên tục 3-4 suất/ngày tại sân khấu Duyệt Thị Đường. Hát xoan, cồng chiêng, quan họ và ca trù đều bắt đầu xuất hiện lớp nghệ nhân trẻ…

     GS, TS Trần Quang Hải (Trung tâm nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp) chia sẻ những trăn trở về việc quan tâm đến lớp nghệ nhân cao tuổi – một yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn các loại hình văn hóa trình diễn truyền thống: “Chúng ta phải nên nghĩ đến việc bảo vệ nghiêm túc và cụ thể bằng cách tôn vinh xứng đáng những nghệ nhân lớn tuổi là những người gìn giữ các bộ môn đó để họ có một đời sống thoải mái hầu tiếp tục truyền lại cho thế hệ hậu sinh để duy trì nghệ thuật cổ truyền và đồng thời tăng cường việc kiểm soát các di sản đó theo đúng tôn chỉ của UNESCO”.

     Việc đưa di sản văn hóa phi vật thể trở thành một trong những đối tượng điều chỉnh của hệ thống pháp luật Việt Nam cũng góp phần khẳng định sự quan tâm của Nhà nước. PGS, TS Đặng Văn Bài phân tích: “Điều này chứng tỏ, ý tưởng về di sản văn hóa phi vật thể và các tiêu chí do UNESCO xác định đã được hợp pháp hóa, đảm bảo cho việc bảo tồn loại hình di sản này có tính pháp lý vững chắc, có tính định chế bền vững mới tại Việt Nam”.

     Ông Bài cũng khẳng định: “Tiếp thu tinh thần của Công ước 2003 của UNESCO, Việt Nam đưa mô hình DSVHPVT thành một loại hình di sản mới và lồng ghép nó vào cơ cấu thể chế của đất nước. Đó là sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, cách tiếp cận mới, toàn diện hơn về di sản văn hóa”.