Nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý sửa đổi Hiến pháp

Sáng 20/3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm chủ trì Hội nghị.

 

Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị  – Ảnh: TA 


Các đại biểu cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, tiến bộ; tiếp cận nhiều giá trị của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và tình hình thực tiễn đất nước hiện nay, đặc biệt vấn đề quyền con người được nhấn mạnh và đề cao hơn. Cùng với đó Dự thảo đã tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước ta là nhà nước nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước.

Bàn về chế định dân chủ trong Dự thảo Hiến pháp, một số ý kiến đề nghị, cần kế thừa tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hiến pháp 1946: Dân chủ là cốt lõi của mọi vấn đề và nhân dân ở vị trí cao nhất trong xã hội. Những gì có lợi cho dân phải hết sức làm, những gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Mọi người, trong đó có đảng viên và cán bộ công chức đều là công bộc của dân. Định chế dân chủ gắn liền với xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

GS Lưu Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng cần bổ sung trong Hiến pháp điều khoản về “quyền phúc quyết của nhân dân” đối với Hiến pháp và những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia. Nhân dân phải là chủ thể của quá trình lập hiến. Đồng thời, xác lập nguyên tắc các vấn đề trọng đại nhất thiết phải đưa ra cho nhân dân phúc quyết để làm cơ sở xây dựng một đạo luật quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền phúc quyết của toàn dân. Cùng với đó, Nhà nước tạo điều kiện và đảm bảo cho nhân dân thực hiện chủ yếu dưới hai hình thức và giám sát và phản biện.

Góp ý vào Điều 5, đại biểu Lù Văn Que, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị xác định và bổ sung “Việt Nam là nước đa dân tộc, vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược và lâu dài”,  vấn đề này đã được Văn kiện các Đại hội của Đảng ta xác định. Đồng thời Hiến pháp cần thể chế các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết giúp nhau phát triển tiến bộ.

Liên quan đến vấn đề hệ thống chính trị, các ý kiến khẳng định đây là vấn đề quan trọng, quyết định mọi hoạt động của Nhà nước pháp quyền. Do đó, cần làm rõ vai trò, vị thế của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể nhân dân… Các đại biểu đồng tình và đánh giá cao các Điều liên quan đến Đảng Cộng sản Việt Nam, MTTQ Việt Nam. Đồng thời mong muốn bổ sung chức năng của MTTQ Việt Nam là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân Việt Nam và khẳng định MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị và Nhà nước bảo đảm hoạt động của MTTQ.

Góp ý vào Điều 25 liên quan đến vấn đề tôn giáo, một số ý kiến đề xuất, nên bổ sung quy định Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống tôn giáo. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo tôn trọng lẫn nhau. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật…

 

Đại biểu Lù Văn Que  góp ý tại Hội nghị – Ảnh: TA


Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần xác định rõ và quy định vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc; quyền và nghĩa vụ bình đẳng của các dân tộc. Bên cạnh đó là các nguyên tắc chính sách giải quyết vấn đề dân tộc; trách nhiệm bảo đảm của Nhà nước, phát huy nội lực của các dân tộc…

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung góp ý vào các vấn đề liên quan quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, vấn đề lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp, vấn đề hôn nhân, nhất là cấm hôn nhân cận huyết thống, quyền sống của con người, vấn đề bảo vệ môi trường…/.