Người trồng thanh long tại Tiền Giang lại gặp khó khăn

(THTG) Là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 7.419 ha diện tích cây thanh long. Hiện nay, nông dân huyện Chợ Gạo đang thu hoạch vụ thanh long nghịch vụ, nhưng thương lái đã ngừng thu mua hoặc mua cầm chừng sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam từ ngày 29/12/2021.

Trước đó, thương lái đến mua giá thanh long loại nhất từ 17.000 – 20.000 đồng/kg; còn hiện nay, thương lái chỉ thu mua cầm chừng từ 4.000 – 5.000 đồng/kg; thậm chí còn không thu mua. Nhiều nhà vườn phải chịu cảnh khó khăn, khi nhìn trái thanh long chín đầy vườn, có trái đã nứt nẻ vì quá chín nhưng thương lái không đến mua.

vlcsnap-2022-01-07-09h33m44s912

vlcsnap-2022-01-07-09h33m36s008.png

vlcsnap-2022-01-07-09h32m54s275.png

Thanh long đang vào vụ thu hoạch nghịch vụ nhưng thương lái thu mua cầm chừng, nông dân lỗ nặng. Ảnh: Nguyễn Phong

Thời gian qua, huyện Chợ Gạo đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu lớn nhất tỉnh Tiền Giang và thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, thanh long Chợ Gạo nói riêng và của Tiền Giang nói chung vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và chủ yếu xuất khẩu thô (trái cây tươi) theo con đường tiểu ngạch là chính. Do vậy, để cây thanh long phát triển bền vững, rất cần một giải pháp lâu dài, để nâng cao giá trị sản phẩm trái thanh long, cũng như có một thị trường ổn định, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ loại trái cây này trên thị trường trong và ngoài nước.

Để cây thanh long phát triển bền vững cần tạo được sản phẩm có giá trị, áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất, nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, hướng đến những thị trường tiêu thụ lớn hơn, thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến đa dạng từ trái thanh long, để góp phần giải quyết phần nào sản lượng trái thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ trong thời gian tới./.

Thanh Triều