Myanmar- miền đất Phật

Myanmar tôi đến mà như đi vào giấc mơ. Đất nước mà từ nhỏ trong tôi gọi theo lúc bấy giờ là Miến Điện, Diến Điện, ở đâu đó hình như xa lắm, hình như mịt mờ rừng núi lắm.

Tôi là người theo đạo Phật. Nhưng ở tôi niềm thành kính mới chỉ dừng ở hương hoa những ngày rằm, mồng một, những ngày lễ tết theo âm lịch. Đã nhiều lần tới nơi đền chùa, nhưng chỉ là vãn cảnh chùa, chỉ thắp hương khấn thần, Phật. Có nhiều lý do khiến tôi chưa làm được như lệ thường khi đến chùa chiền. Hình như tôi còn nhiều tục lụy. Hình như nơi cửa Phật còn chen chúc tham vọng và đầy rẫy khổ đau. Hình như tôi còn quá nghi ngại và chưa đủ thành tâm…

Và thế rồi tôi đến với Myanmar- miền đất Phật trong một tour du lịch tâm linh- đến vãn cảnh chùa, đến khấn Phật cầu an.

Tôi đáp máy bay vào buổi tối tới Yangon. Thành phố yên tĩnh, không rực rỡ ánh đèn, không sáng choang ánh điện, nhưng đem tới cảm giác bình an, thân thiện. Bốn ngày ở Myanmar, đoàn chúng tôi đi miệt mài đến các đền chùa mà vẫn không đủ thời gian.

Dù có nhiều nền văn hóa bản xứ tồn tại ở Myanmar, nền văn hóa chiếm vị trí trọng yếu vẫn là Phật giáo và Bamar. Những người đi tu được kính trọng trên khắp Myanmar. Đây là một trong những quốc gia có đa số Phật giáo tiểu thừa trên thế giới. Myanmar là một trong những kỳ quan đối với khách du lịch thế giới với danh tiếng xứ sở của đạo Phật. Trong các làng Myanmar truyền thống, chùa chiền là trung tâm của đời sống văn hóa. Các nhà sư được sùng kính và người dân luôn quỳ trước mặt để tỏ lòng tôn trọng họ. Lễ nhập tu được gọi là shinbyu là lễ đánh dấu sự trưởng thành quan trọng nhất của một chú bé khi vào chùa tu trong một khoảng thời gian ngắn. Các cô bé cũng có lễ xuyên lỗ tai khi đến tuổi trưởng thành. Văn hóa Myanmar được thể hiện rõ rệt nhất tại những ngôi làng nơi các lễ hội địa phương được tổ chức trong suốt năm mà lễ hội quan trọng nhất là lễ chùa. Nhiều làng xã ở Myanmar có quy ước, các phong tục mê tín và những điều cấm kị riêng.

Kyaikhtiyo – Núi đá vàng, nơi người ta trang trí một phần núi đá thành ngọt tháp có mạ vàng xung quanh, điểm đến đầu tiên của hầu hết những ai đến thăm Myanmar.

Đến Myanmar là bước vào một thế giới khác với hương vị, cảnh sắc hết sức quyến rũ, với cảm giác vừa ngỡ ngàng vừa lâng lâng. Xứ xở của những đền chùa – hàng nghìn ngôi đền. Chỉ riêng thành phố Bagan mà lịch sử cổ đại cho thấy có khoảng hơn 4446 ngôi đền đã được xây dựng và tới nay chỉ còn 2230 ngôi đền đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa. Ngay trên đồi Sagaings bên dòng sông Irrawddy cũng có vô số chùa chiền và tu viện. Rất nhiều ngôi đền đến nay vẫn còn hấp dẫn nhiều du khách khi đến thăm. Các công trình này hầu như không sử dụng đến xi-măng mà vẫn đảm bảo được kiến trúc vững chắc. Nhưng mái vòm lớn được xây dựng một cách khéo léo theo dạng thùng. Các ô cửa số cũng được sắp xếp rất tài tình để lấy các tia nắng chiếu vào khuôn mặt của bức tượng phật, tạo nên các vầng hào quang trên bức tượng.

Chùa Vàng là điểm đến không thể thiếu của bất kỳ ai đến thăm Myanmar

Bàn tay sáng tạo của con người kết hợp với tuyệt tác thiên nhiên đã tạo nên hình tượng kỳ diệu. Kyaikhtiyo – Núi đá vàng, Chùa vàng – Golden Rock, nơi con người trang trí một phần núi đá thành ngọt tháp có mạ vàng xung quanh, điểm đến đầu tiên của hầu hết những ai đến thăm Myanmar. Chùa Kyaikhtiyo có chiều cao 5,5 mét. Lời truyền lại rằng nơi đây còn lưu giữ tóc của Đức Phật được đặt trên một tảng đá lớn. Chính sợi tóc này đã giữ cân bằng cho tảng đá nằm bên trên vách núi. Tảng đá có hình thù giống như đầu của một người đàn ông, được cho là đầu của một ẩn sĩ có nhiệm vụ mang tóc của Đức Phật để trong con cá bơn của ông trước khi qua đời. Ông đã để lại lời chỉ dẫn để tìm thấy tóc của Đức Phật trên tảng đá ở trên đỉnh của ngôi chùa, nay được gọi là Đá Vàng. Tảng đá như được cân bằng bên vách núi cheo leo không hề bị rơi xuống. Chính điều này khiến cho người ta tin rằng: “khi đi hành hương về đây, sẽ mang lại cho họ sức khoẻ tốt và sự giàu có…”. Ngôi chùa Kyaikhtiyo là viên ngọc của thủ phủ Mon - Myanmar và được xem như là một phép lạ đối với các tín đồ Phật giáo.

Đi hơn 1 giờ ô tô từ thành phố Yangon sẽ tới chân núi. Có 2 cách để vượt qua đoạn đường 11km quanh co, dốc dựng lên đỉnh núi có ngôi chùa và núi Đá vàng. Một là đi ô tô. Những chiếc xe tải, quây thành song sắt, bắc những thanh gỗ ngang để ngồi. Không nghĩ tới được sẽ có chuyến đi du lịch bằng một phương tiện như vậy. Ngạc nhiên đến sửng sốt. Ngạc nhiên đến thích thú. Trời nắng gay gắt. Người có mũ. Người có dù. Người chẳng có gì che đầu cả. Lên xe thôi vì chẳng có thể lựa chọn cách thứ hai để lên núi – đi bộ 11km đường dốc lượn. Suốt dọc đường là phong cảnh thiên nhiên đẹp, là những dãy hàng quán và một số di tích chùa cổ còn sót lại. 4km bớt lại để du khách đi bộ hành hương, để du khách đi kiệu, nếu muốn. Chiếc kiệu là một tấm vải sọc sỏ vào 2 đòn dài và do 4 người khiêng. Họ thường là các thanh niên, vóc dáng nhỏ bé của người châu Á với nước da đỏ au của nắng và gió, nước da người dân Myanmar. Tiền khiêng thì đã có giá quy định. Người nhiều tuổi lên kiệu. Những người trẻ trong đoàn đi bộ với ý thích được ngắm cảnh trên đường. Nhưng được chừng 1km là các cô gái lục tục lên kiệu hết. Ngồi kiệu ngắm cảnh, chụp ảnh từ kiệu nọ sang kiệu kia. Dập dềnh. Nhịp nhàng. Các kiệu nối nhau lên núi.

Các công trình kiến trúc và văn hóa của Myanmar mang đậm màu sắc tôn giáo

Đỉnh núi với một khách sạn nhỏ mà thơ mộng khoáng đạt. Dưới kia là núi non, rừng rậm. Xa kia là chùa, là núi Đá vàng. Đường từ khách sạn sang chùa không xa. Tất cả du khách đều gửi giày dép nơi chân bực thang trước khi đi trên đường lát đá vào khu chùa. Ở Myanmar là vậy. Vào nơi chùa nào cũng để giày dép bên ngoài. Bỏ lại những gì bụi bặm, phàm tục, đi chân đất để cảm nhận tất cả sự mát lạnh của đá, của thiên nhiên. Có thể cầu xin những gì? Ở Myanmar không gặp những mâm cao chất đầy gà, xôi, hoa quả…và nhất là các loại tiền giấy dương gian, âm phủ như ở Việt Nam. Và như vậy cũng chẳng có nơi đốt tiền, chia đồ lễ. Mọi người tới, quỳ lạy, chắp tay thành kính, tâm hướng về cõi Phật mà thầm cầu nguyện. Những người đàn ông được qua cửa rào vào sát Đá vàng, được chạm vào nơi linh thiêng. Những người đàn bà từ ngoài vái vọng. Đỉnh cao gió bốn bề, núi Đá vàng rực chói dưới ánh đèn, nhìn xuống là rừng, là núi tiếp nối, là chênh viên, sân chùa rộng, lối vào chùa người ra vào đông đúc. Không ồn ào, không chen chúc. Người ta gọi nhau, người ta nói chuyện nhưng tất cả vẫn dễ chịu bởi sự ngưỡng mộ và lòng thành kính. Hàng năm, cứ đến đêm 31 tháng 12, chùa Kyaiịhtiyo lại phát sáng từ 9.000 bóng đèn và mùi thơm từ 9.000 bông hoa hồng từ khách hành hương đến đây.

Myanmar, là một quốc gia Phật giáo. Các công trình kiến trúc và văn hóa của Myanmar mang đậm màu sắc tôn giáo. Tháp Phật có ở khắp mọi nơi. Nổi tiếng nhất là tháp vàng Shewedagon ở thủ đô Yangon và một quần thể chùa thờ Phật gồm hơn 200 ngôi chùa ở Bagan.

Những người đi tu được kính trọng trên khắp Myanmar

Ngôi đền Shwedagon, được xem như một trong những kỳ quan cổ đại của thế giới. Ngồi đền có chiều cao 98 mét, và nó thực sự là ngọn đèn vàng nằm giữa thành phố. Chính vì thế có thể nhìn thấy ngồi đền ở bất kỳ nơi nào trong thành phố. Theo truyền thuyết, ngồi đền được xây dựng cách đây 2500 năm, và được cất giữ các di tích tóc của Đức Phật. Trong nhiều thế kỷ qua, người dân nơi đây đã quyên góp tài sản của họ như là một phần tích luỹ công đức để xây dựng ngôi đền. Họ đã quyên góp vàng và các đồ trang sức cho ngôi đền. Tính đến bây giờ, đã có hơn 80.000 đồ trang sức trong ngôi đền. Tháp trung tâm là một tuyệt tác nghệ thuật. Trong chiều cao 98m có phần đỉnh cao 10m với cấu trúc công phu gồm 7 vòng đai dát vàng. Toàn khối tháp còn được phủ kín bằng 9300 lá vàng với khối lượng 500kg, cùng với hàng ngàn viên đá quý, hàng trăm viên kim cương, ruby, cùng hàng trăm chiếc chuông vàng. Đặc biệt là quả cầu kim cương stud được đặt trên đỉnh của ngôi đền với đường kính 25cm. Xung quanh khu vực ngôi đền là hơn 1000 chùa tháp quần tụ với các kiến trúc đền chùa mang phong cách khác nhau về hình dáng, màu sắc, chất liệu của vùng đất, sắc tộc. Các bức tượng, các hình khắc thần, quỷ, quái thú…sống động gây cảm xúc mạnh. Khách hành hương nhiều vô kể và chủ yếu là người Myanmar trong cả nước. Khách du lịch cùng hòa nhập vào dòng người.

Đến Shwedagon vào lúc hoàng hôn mới cảm nhận được phần nào vẻ đẹp tráng lệ và linh thiêng. Ánh mặt trời khi hoàng hôn làm sáng lên thêm sắc vàng của tòa tháp vàng khổng lồ. Hình ảnh thực bỗng ngời lên kỳ vĩ như trong thần thoại, truyền thuyết. Ta bỗng như lạc vào một thế giới khác, bỗng như mất cảm giác là ta bé nhỏ và cụ thể. Diệu kỳ. Chói sáng. Và huyền ảo. Theo những người hành hương Myanmar dâng hoa lễ Phật, múc nước tắm cho các tượng Phật, rồi khoác lên tượng Phật những vòng hoa nhài tinh khiết, dịu nhẹ hương thơm với lòng tôn kính và mãn nguyện. Tìm cho mình một chỗ ngồi trên nền sân rộng, giữa bao tấm lòng mộ Phật mà cầu nguyện tốt lành. Tất cả đều khác – cảnh chùa, cảnh Phật – khác với Việt Nam. Ở đây, ta có thể tận mắt chứng kiến các nghi thức của trung tâm Phật giáo Myanmar khi cầu nguyện và dâng lễ vật. Shewadagon là niềm kiêu hãnh của Myanmar, là thành tựu vĩ đại của con người trong lao động và sáng tạo.

Chỉ có mấy ngày cho một hành trình trên đất nước có hàng ngàn chùa, tháp Phật. Myanmar có nhiều tượng Phật, thời gian cũng chỉ cho tới được nơi tôn tượng Phật nằm tại tòa nhà Paya chaukhtatgyi. Một tượng Phật nằm biểu thị sự giác ngộ. Pho tượng dài 72m. Vương miện của Phật được gắn kim cương và đá quý. Trong lòng bàn chân chạm khắc 108 biểu tượng cao quý của Đức Phật. Trước tượng Phật con người thật nhỏ bé và mọi tham vọng trở nên thấp hèn.

Mỗi chùa tháp khi được đến thăm là một ngạc nhiên, thán phục về kiến trúc văn hóa nhưng đều mang đến cảm xúc sâu đậm về không gian Phật giáo thiêng liêng khiến ta bỗng chắp tay và lòng thầm cầu nguyện. Được đến các trung tâm Phật giáo, đến thiền viện nơi truyền bá, tu học về Phật giáo lại hiểu thêm về xứ sở của đạo Phật. Thật may mắn khi gặp được hơn 500 các nhà sư trẻ đang học đạo. Bữa cơm nhà Phật đạm bạc mà tôn nghiêm. Tham quan chùa Kaba Aye, ngôi chùa của hòa bình thế giới. Đến động Mahapasana Guha, nơi diễn ra đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ 6. Tham quan chùa Kyauk Taw Gyi với tượng Phật ngồi được tạc từ một tảng đá cẩm thạch…Và còn bao chùa tháp nổi tiếng mà ta chưa đến được.

Tạm biệt Myanmar ra về mà âm hưởng của chùa tháp vang vọng. Đất nước Myanmar còn nghèo, người dân Myanamar còn nghèo mà tâm Phật, lòng luôn hướng về cõi Phật. Phải chăng tín ngưỡng thành tâm, cửa Phật sáng trong dẫn dắt ta về cái thiện, về với mọi điều tốt lành. Đến với xứ sở Phật giáo ta trở về mang theo bao cầu nguyện cho cuộc đời này, cho mọi kiếp người, trở về thầm mong sẽ có ngày trở lại để thêm một lần hành hương nơi miền đất Phật.