Làn gió mát ở giải ngoại hạng

Trong một phỏng vấn mới đây, HLV Del Bosque của đội tuyển Tây Ban Nha đã nhận định “Bóng đá kiểu Anh” sẽ khó tồn tại lâu dài khi giải ngoại hạng đang tràn ngập các cầu thủ nước ngoài. Trong khi đó, những con số thống kê thì cho biết, sự sáng tạo đang lên ngôi ở bóng đá Anh.

Christian Eriksen (trái) và Erik Lamela của Tottenham là bộ đôi tiền vệ tấn công gây sức hút nhất

Một đội bóng mạnh tại giải ngoại hạng thường phải căng sức ít nhất 3 mặt trận, nếu tính luôn Cúp Liên đoàn là 4. Về lý thuyết thì danh sách đăng ký phải có 4 tiền đạo để còn “xoay tua”. Nhưng thực tế, mùa chuyển nhượng vừa qua, đã không có chân sút hàng đầu châu Âu nào cập bến nước Anh, theo chiều ngược lại thì nhiều hơn nếu chúng ta tính các trường hợp Balotelli, Van Persie, Chicharito, Dzeko, Joventic…
Trong  khi đó, Man.City bỏ ra 107 triệu bảng để mua cùng lúc 2 tiền vệ công dù ai cũng biết, họ gần như chỉ có 1 tiền đạo là Aguero trong khi Bony chưa cùng đẳng cấp. Arsenal thà đôn Walcott lên vị trí trung phong thay cho Wellbeck bị chấn thương chứ nhất định không mua thêm chân sút. Man.United chọn Martial mới 19 tuổi cho vị trí tiền đạo trong khi mua cùng lúc 4 cầu thủ tiền vệ. Chelsea chọn Pedro, một cầu thủ đến từ Barcelona để bổ sung chất sáng tạo trong khi vẫn chỉ tin dùng Costa ở hàng trên cùng. Còn Liverpool, trên lý thuyết họ có đến 3 tiền đạo mới nhưng đó đều là những chân sút hạng B. Đây là năm thứ 2 đội bóng này thất bại trong nỗ lực thay thế vị trí có đẳng cấp cao của Luis Suarez để lại.

Với các đội bên dưới cũng vậy, các tiền vệ công trở thành điểm cốt lõi trong chiến thuật thi đấu. Leice
ster đang bay cao nhờ bộ đôi Albrighton (ghi 1 bàn, kiến tạo 5 bàn) và Mahrez (ghi 7 bàn, kiến tạo 4 bàn).  Southampton thi đấu dựa trên tam giác Tadic-Mane và Clasie. HLV Pochettino kiên nhẫn chờ Harry Kane “nổ súng” chứ không thay đổi chiến thuật vốn dựa trên bộ đôi tiền vệ công Lamela và Eriksen, những người đến nay đã ghi bàn và góp công trong 11 bàn thắng. Còn khi nói đến “hiện tượng”, chắc chắn ai cũng sẽ nói đến Payet, người đang có 5 bàn thắng và 4 đường chuyền quyết định.

***
Từ phong cách “Chạy và sút” với 2 tiền đạo bên trong, hiện tại rất nhiều CLB tại giải ngoại hạng chỉ đá với 1 trung phong cắm và đặt toàn bộ khả năng thành công vào các cầu thủ có khả năng sáng tạo cao. Những đội thăng hoa như Man.City hay Arsenal đang gần như lệ thuộc vào khả năng tạo đột biến của De Bruyne, Sterling hay Oezil cho dù họ không thường xuyên có tiền đạo trụ cột vì lý do xoay tua hay chấn thương. Ở chiều ngược lại, người đang giữ cho Chelsea chút hy vọng đó là William và sự sa sút của đội bóng áo xanh đã được xác định rất rõ ràng: Fabregas, Hazard hay Pedro đều chỉ là cái bóng của chính mình. Việc Costa có ghi bàn hay không chưa phải là yếu tố đáng bàn. Mùa trước, Fabregas có tỷ lệ kiến tạo bàn thắng là 0,56 bàn/trận, có số đường chuyền tạo cơ hội  là 2,9 lần/trận trong khi sau 10 trận đã đá mùa này, các con số trên lần lượt là 0,11 và 2,08. Cầu thủ nắm giữ lối chơi mà có một hiệu suất kém như vậy, Chelsea làm sao “ngóc đầu” nổi.

Khả năng sáng tạo chính là điều mà giới quan sạt đặt Man.United vào vị trí “ứng viên trong bóng tối”. Việc ông Van Gaal trung thành với lối chơi “giữ bóng càng nhiều càng tốt” bị các CĐV chê là “không biết tấn công” thông qua số lần dứt điểm kém thứ 2 tại giải ngoại hạng. Tuy nhiên, với những tiền vệ như Depay, Herrera, Mata và mới nhất là Lingard thì Man.United đang sở hữu một khu giữa sân có tiềm lực hàng đầu giải ngoại hạng. Nếu dựa trên lý thuyết ấy, việc đẩy Martial lệch trái thay vì trung tâm cũng chưa phải là lý do khiến Man.United chưa đạt đến sự hài lòng như các CĐV mong muốn. Vấn đề là các tiền vệ sáng tạo của Man.United bao giờ thật sự thể hiện những phẩm chất tốt nhất của mình.

Nguồn SGGP