Khai mạc Phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì

Sáng 12-9, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khóa XIV đã khai mạc phiên họp thứ ba.

1 

Phát biểu ý kiến khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp sẽ diễn ra kéo dài từ ngày 12 đến 22-9 với nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV – dự kiến khai mạc ngày 20-10 tới. Theo đó, Ủy ban TVQH sẽ tập trung cho ý kiến vào sáu vấn đề, liên quan chuẩn bị Kỳ họp thứ hai QH khóa XIV; việc tiếp thu, chỉnh lý ba dự thảo luật đã trình QH khóa XIII (gồm Luật về hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản); và cho ý kiến về 10 dự án luật và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước trình QH tại kỳ họp thứ hai.

Tại phiên họp Ủy ban TVQH sẽ cho ý kiến về việc ban hành hai Nghị quyết của Ủy ban TVQH để hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015; về báo cáo công tác 2016 của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng KSND tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật Thủy lợi. Các đại biểu đã tập trung làm rõ những điểm mới chung quanh quy định giá dịch vụ thay cho phí thủy lợi, bảo đảm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và Luật Phí và lệ phí. Việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang “dịch vụ”; giúp người sử dụng dịch vụ nước từ công trình thủy lợi hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ nước là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất. Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần làm rõ hơn các chính sách khuyến khích đầu tư về giá, thuế; cần quy định rõ trách nhiệm trong quản lý, khai thác, vận hành sử dụng các công trình này.

Cho rằng quan điểm xã hội hóa là cần thiết nhưng cần phân biệt rõ chủ thể quản lý nhà nước và chủ thể đầu tư có quyền quản lý khai thác công trình, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận xét quy định về thẩm quyền quyết định giá trong dự thảo chưa có căn cứ rõ ràng giữa công trình xã hội hóa và công trình do nhà nước đầu tư. Một số ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải có lộ trình trong việc tính giá dịch vụ thủy lợi, bên cạnh đó phân định rõ đối với loại công trình nào thì xã hội hóa. Ban soạn thảo cần làm rõ vấn đề bảo đảm nước tưới, tiêu, tự do kinh doanh trồng trọt, những thiệt hại, quản lý nước đến công trình thủy lợi nội đồng; mối quan hệ thủy lợi, thủy điện; trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân; vấn đề an toàn hồ chứa, gắn với an ninh – quốc phòng; về hợp tác quốc tế; ứng dụng khoa học công nghệ; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo khi chuyển sang tính giá dịch vụ thủy lợi…

Buổi chiều, Ủy ban TVQH thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Dự thảo luật gồm 9 chương, 95 điều (thêm một chương, giảm 19 điều so với Luật hiện hành). Các ý kiến thảo luận cho rằng việc sửa đổi lần này là rất cần thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác, phát triển giao thông đường sắt theo hướng ngày càng hiện đại, đưa đường sắt Việt Nam tiến lên hiện đại, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho rằng, “hình bóng” của người dân được thụ hưởng – chủ thể chính tham gia được đề cập trong dự thảo luật còn quá mờ nhạt. Dự thảo luật chưa có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối tượng yếu thế (khuyết tật, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em) khi đi tàu. Bên cạnh đó, chưa thể hiện được tính hội nhập, hiện đại, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển đường sắt… Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định và một số đại biểu khác tán thành chủ trương tách vận tải đường sắt ra làm hai phần: hạ tầng đường sắt do Nhà nước chịu trách nhiệm về tu bổ, duy tu, bảo trì, bảo dưỡng và vận tải nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia, nhất là trong việc đầu tư toa xe, đầu máy, kết nối đa phương thức. Từ đó mở ra các chính sách ưu đãi, hình thành tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, đường sắt tốc độ cao…

Góp ý về những chính sách ưu đãi nhằm phát triển đường sắt, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng cần xác định rõ vai trò, vị trí của của ngành đường sắt trong mối quan hệ với các loại hình vận tải khác; từ đó đề ra chiến lược đối với ngành đường sắt; có chính sách khuyến khích phát triển đường sắt ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa… Tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả.

 

Nguồn Nhân dân