Hội Nhà báo Việt Nam góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp

      Các ý kiến khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, làm rõ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân

Chiều nay (26/3), tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đóng góp ý kiến cho điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến cho rằng, nội dung của điều 4 đã khẳng định được vai trò lãnh đạo của Đảng trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng phù hợp với phương thức đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, cần làm rõ hơn vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương cho rằng, cần bổ sung vào điều 4 nội dung về phương thức lãnh đạo của Đảng: “Khoản 2 của điều 4 nên bổ sung vào đây phương thức lãnh đạo, phải đảm bảo Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, chủ trương lớn… để tránh bao biện, áp đặt trong điều kiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nhân dân làm chủ. Do đó, khoảng 3 trong điều 4 đề nghị bổ sung là các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật như trong dự thảo và một đạo luật về Đảng”.

Liên quan đến nội dung quyền công dân trong việc tự do ngôn luận, tự do báo chí, điều 26 Dự thảo ghi: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Các ý kiến nhấn mạnh: Hiện nay, chưa có Luật biểu tình, cần quy định cụ thể hơn để nội dung điều 26 được thực hiện trên thực tế mà không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc và không để lạm dụng quyền tự do báo chí. Theo ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, cần thay cụm từ “được thông tin” bằng cụm từ “quyền tiếp cận thông tin” và điều này nên sửa lại để nội dung quy định được rõ ràng đầy đủ hơn.

Góp ý điều 120 về Hội đồng Hiến pháp, đa số các ý kiến cho rằng, điều này đã thể hiện bước tiến quan trọng nhằm bảo đảm Hiến pháp được thực thi, tránh tình trạng vi hiến. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể hơn về mô hình tổ chức, hoạt động để đảm bảo Hội đồng Hiến pháp thực sự là cơ quan độc lập, có đủ thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ./.