Hiệu quả tích cực từ cụm tuyến dân cư vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long

      Chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ kết hợp với những quyết sách đúng đắn về ổn định và phát triển dân sinh đã tạo nên sức sống cho chủ trương sống chung với lũ của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cụm tuyến dân cư vượt lũ tại An Phú, An Giang. - Ảnh: VOV

Thành quả 10 năm

      Bắt đầu từ năm 2001, Thủ  tướng Chính phủ đã quyết định triển khai Chương trình “Xây dựng cụm tuyến dân cư vùng thường xuyên bị ngập lũ các tỉnh ĐBSCL”. Đây được xem là chương trình trọng điểm quốc gia, trực tiếp  đảm bảo cho nhân dân vùng lũ có cuộc sống an toàn, không phải di dời khi lũ về.

Mục tiêu của chương trình là đảm bảo cho các hộ dân vùng lũ được sống an toàn, từng bước ổn định và tiến tới phát triển bền vững. Đến nay, 8 tỉnh, thành vùng ngập lũ ở ĐBSCL gồm: Tiền Giang, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ đã đưa hơn 154.400 hộ dân vùng ngập lũ, sạt lở nguy hiểm vào sinh sống an toàn trong các cụm tuyến dân cư. 

Trong đó, chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 1 đã hoàn thành khá tốt, bố trí gần 150.000 hộ dân. Dẫn đầu là 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã bố trí gần 100% số hộ dân có nhu cầu. Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhìn nhận nhờ chủ động xây dựng các tuyến dân cư vượt lũ, đưa hơn 30.000 hộ dân vào nơi an toàn.

Khảo sát tại các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Long An… -  những nơi đã cơ bản hoàn thành chương trình này, các cụm tuyến dân cư đã thu hút  đông đảo người dân vào ở ổn định cuộc sống.

Sau nhiều năm không xuất hiện lũ dữ, năm nay lũ được xác định ở mức đặc biệt lớn lại về. Lúc này, cụm tuyến dân cư vượt lũ chính là điểm đến an toàn. Điều đó cho thấy Chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 1 và 2 có tác dụng rõ rệt khi mùa lũ về. Nếu không có những cụm tuyến dân cư này thì rất khó xoay trở trong mùa lũ.

Nếu cách đây vài năm, trên các cụm tuyến dân cư vượt lũ, các hộ gia đình đến ở  vẫn còn thưa thớt, các vấn đề như: điện, nước sạch, vệ sinh môi trường, công tác phát triển  đào tạo nghề… vẫn còn nhiều trăn trở thì  đến nay, hầu như mỗi cụm tuyến đều trở thành một điểm sáng về điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Các tỉnh, thành đều quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và quản lý cụm tuyến sau đầu tư. Hầu hết các  địa phương đều đã xây dựng và ban hành quy chế  quản lý để đảm bảo an ninh, trật tự, vệ  sinh môi trường. Rất nhiều cụm tuyến đã trồng cây xanh lấy bóng mát, tạo cảnh quan.

Tiếp bước giai đoạn 2

Ngày 11/11, Bộ Xây dựng đã tổ  chức Hội nghị Giao ban kiểm điểm, đánh giá  kết quả thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL.

Từ những kết quả mang lại, các  địa phương trong khu vực ĐBSCL hiện đang gấp rút xây dựng giai đoạn 2 chương trình cụm tuyến dân cư  vượt lũ.

Giai đoạn 2 của chương trình nhằm bố trí 52.000 hộ dân vào sinh sống với tổng vốn đầu tư 2.387 tỷ đồng đang được triển khai. Đến nay đã khởi công 149/178 cụm tuyến dân cư  vượt lũ, xây dựng hơn 4.000 căn nhà cho dân vào sống an toàn.

Tại hội nghị, đại diện Ban điều phối chương trình xây dựng cụm tuyến dân, cư và  nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL đã báo cáo, kiểm  điểm đánh giá kết quả thực hiện chương trình. Các địa phương đã báo cáo kết quả đạt được khi thực hiện chương trình, nêu ra những khó  khăn, bất cập còn tồn tại khiến cho giai đoạn 2 của chương trình chậm so với tiến độ, đồng thời tìm những giải pháp khắc phục.