Hiệu quả cao từ cây khóm tại “rốn phèn” Tân Phước

(THTG) Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang từng được mệnh danh là “rốn phèn, rốn lũ”, từ một huyện nghèo, hoang sơ, đất phèn chua, ngập mặn, nhưng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông dân Tân Phước đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và xây dựng cơ nghiệp vững vàng.

Nhờ chăm học nghề trồng trọt và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều lao động nông thôn huyện Tân Phước đã trồng và xử lý những cây trồng chủ lực đạt năng suất, chất lượng cao, làm thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, phát triển. Trước đây, tại huyện Tân Phước, cây khóm chỉ xuất hiện rải rác ở các xã Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh…. Nhưng đến nay, cây khóm đã có mặt ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện.

vlcsnap-2023-03-16-15h01m31s619.png

vlcsnap-2023-03-16-15h02m15s517.png

Cây khóm đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân huyện Tân Phước. Ảnh: Minh Nguyên

Tính đến ngày 13/02, nông dân địa phương đã thu hoạch được gần 27.500 tấn khóm. Trên thị trường, khóm có giá khoảng 6 ngàn đến 7 ngàn đồng/kg tùy theo thời điểm. Trung bình, năng suất khóm đạt bình quân 20 tấn/ha, nếu thu hoạch đúng thời điểm có giá cao, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi 100 triệu đồng/ha.

Cây khóm có thể nói là nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân, rất nhiều nông dân thoát nghèo, không ít hộ vươn lên khá giàu và trở thành nông dân sản xuất giỏi các cấp từ cây khóm. Trong đó, phải kể đến những tỉ phú vùng khóm như ông Trần Văn Cường ở xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước, với hơn 15 ha chuyên canh cây khóm.

Để nâng cao giá trị kinh tế của cây khóm, trong thời gian tới, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang tăng cường hướng nông dân áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, chú trọng tuyển chọn và sử dụng giống tốt; áp dụng đồng bộ các qui trình thâm canh theo khoa học, để tăng năng suất, sản lượng khóm khi thu hoạch, đảm bảo chất lượng nông sản, nhằm giúp người trồng khóm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương./.

Thanh Triều