Giải pháp nào để khai thác cát bền vững vùng ĐBSCL?

Tình trạng khai thác cát quá mức đã làm cho những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại ĐBSCL trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân khu vực này.

Vùng ĐBSCL là trung tâm của sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước khi đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng trái cây và 95% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đang bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu (BĐKH) và là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương trước hiện tượng nước biển dâng. Các hiện tượng cực đoan như: hạn hán, xâm nhập mặn, xói mòn, sụt lún, sạt lở đang không ngừng gia tăng tại ĐBSCL. Ngoài ra, tình trạng khai thác cát quá mức đã làm cho những tác động của BĐKH và nước biển dâng trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân vùng ĐBSCL. Vì vậy, việc quản lý khai thác cát sỏi lòng sông một cách hiệu quả và bền vững cần những giải pháp căn cơ và lâu dài.

Dự án quản lý Cát bền vững được thực hiện từ tháng 7/2019 đến tháng 5/2024 nhằm góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro về kinh tế, xã hội do BĐKH ở vùng ÐBSCL. Một trong những mục tiêu của dự án là tăng cường nhận thức của cộng đồng và các ngành chức năng về tác động của việc khai thác cát thiếu bền vững, làm gia tăng thiên tai cho khu vực. Từ đó, thúc đẩy việc tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng.

quan_ly_khai_thac_cat_mot_cach_ben_vung_la_mot_giai_phap_thuan_thien_de_giup_dbscl_giam_thieu_va_thich_ung_voi_bdkh

Quản lý khai thác cát một cách bền vững là một giải pháp thuận thiên để giúp ĐBSCL giảm thiểu và thích ứng với BĐKH.

Theo ông Hà Huy Anh, Quản lý dự án Cát bền vững cho biết, có sự mất cân bằng khá nghiêm trọng ngân hàng cát ở ĐBSCL từ 26,5 đến 39,5 triệu tấn/năm. Trong đó, năm 2020 khối lượng cát đổ về từ thượng nguồn từ 6,8 đến 7 triệu tấn/năm. Trong khi đó, lượng cát khai thác ở ĐBSCL đang nhiều hơn so với lượng cát đổ về đồng bằng. Nguyên nhân của vấn đề là những đập thủy điện xây dựng trên thượng nguồn dẫn đến lượng trầm tích đổ về đồng bằng giảm. Dự báo đến 2040 chỉ còn 4,5 triệu tấn trầm tích đổ về ĐBSCL, trong đó 10-15% là cát.

Ông Hà Huy Anh cho rằng, sự thiếu hụt trầm tích là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sụt lún dẫn tới xói mòn đáy sông, bờ sông, bờ biển xảy ra do trầm tích bị giữ lại ở thượng nguồn và hoạt động khai thác cát. Hiện nay, vùng ĐBSCL có 665 điểm sạt lở với tổng chiều dài sạt lở hơn 650km, trong đó điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm là 181 điểm với chiều dài hơn 172 km. Trước nhưng thực trạng đang diễn ra, WWF-Việt Nam đang hướng tới các giải pháp để thúc đẩy phát triển vật liệu thay thế để giảm thiểu các hoạt động khai thác cát không bền vững.

Ông Hà Huy Anh nêu rõ, việc phát triển kinh tế của ĐBSCL là cần thiết nhưng cũng cần phải dựa vào nhiều yếu tố, trong khi đó, khai thác cát cần dựa trên trữ lượng cát ở đáy sông và việc xây dựng ngân hàng cát sẽ phân tích, đánh giá toàn diện vấn đề để các địa phương dựa vào đó để khai thác cát phù hợp để phục vụ phát triển hạ tầng ở ĐBSCL mà không làm trầm trọng thêm vấn đề sạt lở của vùng. Đồng thời, cần nghiên cứu vật liệu sẵn có để thay thế nguồn cát.

“Xây dựng ngân hàng cát toàn đồng bằng, WWF sẽ tính toán được lượng cát chuyển về ĐBSCL là bao nhiêu, lượng cát khai thác thông qua xử lý hình ảnh bằng vệ tinh… lượng cát khai thác một năm là bao nhiêu, lượng cát đổ ra biển bao nhiêu, tính toán được cân bằng cho toàn đồng bằng là bao nhiêu. Như vậy sẽ cung cấp cho các tỉnh một con số đáng tin cậy để có thể xem xét lại kế hoạch khai thác cát của mình hiện tại cho từng năm, từ năm 2021 cho đến 2025 là có phù hợp với con số đó hay không. Xây dựng được một kế hoạch khai thác cát dựa trên ngân hàng cát ổn định hơn”, ông Hà Huy Anh phân tích.

ngan_hang_cat_duoc_xem_la_giai_phap_de_cung_cap_thong_tin_cu_the_cho_cac_dia_phuong Ngân hàng cát được xem là giải pháp để cung cấp thông tin cụ thể cho các địa phương.

Theo Th.S. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL, cát về ĐBSCL sẽ ngày một ít dần và trong tương lai sẽ càng hạn chế hơn bởi các đập thủy điện từ thượng nguồn. Vấn đề hiện nay là cần phải có giải pháp để khai thác cát một cách phù hợp để phát triển hạ tầng giao thông, nhà cửa vùng ĐBSCL. Chúng ta không thể dừng việc phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vì đây là điểm nghẽn từ nhiều năm qua mà đồng bằng vẫn chưa thể giải quyết được. Việc lấy cát biển hay cát sông đều phải trả giá rất đắt, việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế vẫn còn mới và cần thời gian để chứng minh.

“Việc xây dựng đường xá, nhà cửa không dừng được, bởi vì chúng ta biết điểm nghẽn, nút thắt cổ chai của sự phát triển đồng bằng là đường xá, cho nên phải xây dựng đường xá nhưng mà cát biển chúng ta biết rằng không có khái niệm cát biển. Cát từ sông mang ra chứ biển không tạo ra, như vậy thì chúng ta đã lâm vào thế khó, bây giờ lấy cát ngoài biển sẽ có giá rất đắt phải trả. Lấy cát sông cần phải biết rằng phải trả, đây là bài toán cần phải cân nhắc, không thể dừng chuyện xây dựng được, nhưng mà làm thì chúng ta biết giá rất đắt”, Th.S. Nguyễn Hữu Thiện lo ngại.

Theo báo cáo của Ủy hội Sông Mekong công bố năm 2018, tổng lượng trầm tích (bao gồm cát) đổ về sông Tiền và sông Hậu đang ngày càng giảm dần và dự kiến chỉ còn khoảng 4,5 triệu tấn trầm tích vào năm 2040. Nguyên nhân là do hàng loạt thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn. Bên cạnh đó, một điều đáng báo động là khoảng 66% đường bờ biển trên toàn vùng ĐBSCL đang có nguy cơ sạt lở. Tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, gia tăng cả về tần suất và quy mô.

Vì vậy, quản lý khai thác cát một cách bền vững là một giải pháp thuận thiên để giúp ĐBSCL giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, giảm thiểu tác động đến đồng bằng, sinh kế của người dân, an ninh lương thực, đa dạng sinh học. Ngân hàng cát được xem là giải pháp để cung cấp thông tin cụ thể cho các địa phương biết được lượng cát có thể khai thác và vị trí khai thác mà không gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến vùng ĐBSCL./.

Nguồn VOV