Dự kiến điều chỉnh giá dịch vụ y tế vào cuối tháng 11 năm nay

Chiều 26/10, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tháng 10/2015 và một số nội dung liên quan khác. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì họp báo.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, ước đến hết tháng 10/2015, toàn Ngành đã thực hiện chi trả BHXH, BHYT với số tiền 164,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: chi BHXH 121,1 nghìn tỷ đồng, chi BHTN 3,9 nghìn tỷ đồng, chi BHYT 38,4 nghìn tỷ đồng.

 Bảo hiểm Xã hội Việt Nam họp báo tháng 10/2015. Ảnh: VA

Cũng ước đến hết tháng 10/2015, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 67 triệu người, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó tham gia BHXH bắt buộc là 11,9 triệu người; tham gia BHTN là 10,1 triệu người; tham gia BHXH tự nguyện là 0,23 triệu người; tham gia BHYT là 66,8 triệu người.

Trao đổi với báo chí về những điểm mới của Luật BHXH năm 2014, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết: đối tượng tham gia BHXH đã mở rộng phạm vi đối tượng tham gia. BHXH bắt buộc đối với người có hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng; công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động (áp dụng từ năm 2018); người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người đi làm việc theo quy định của pháp luật người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Nhóm đối tượng này được tham gia BHXH cho chế độ hưu trí và tử tuất.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, với quy định mở rộng đối tượng nêu trên thì phạm vi bao phủ của BHXH bắt buộc sẽ tăng lên. Mặt khác, sẽ tránh được tình trạng người sử dụng lao động lách luật để trốn đóng BHXH bằng cách ký các chuỗi hợp đồng lao động dưới 3 tháng. Tuy nhiên, quy định này cũng đặt ra thách thức trong tổ chức thực hiện vì việc quản lý đối với người có hợp đồng lao động dưới 3 tháng là rất khó khăn.

Luật BHXH lần này cũng đã bổ sung rất nhiều quyền lợi trong chế độ thai sản, trong đó đáng chú ý nhất là: lần đầu tiên pháp luật quy định lao động nam được nghỉ thai sản khi vợ sinh con với thời gian từ 5 đến 14 ngày tùy theo số con được sinh và cách thức sinh con (sinh thường hay phải mổ).

Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ đủ 12 tháng nhưng vì lý do thai không bình thường phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chỉ cần đảm bảo điều kiện đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ thuộc nhóm yếu thế.

Bổ sung trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH khi vợ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con.

Bổ sung quy định chế gộ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi.

Đối với chế độ hưu trí, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho hay, đây là chế độ được sửa đổi, bổ sung nhiều nhất, trong đó đều hướng đến đảm bảo công bằng xã hội (trong đó có bình đẳng giới), trong đó nội dung sửa đổi chủ yếu là: Giảm điều kiện thời gian đóng BHXH và tuổi đời để hưởng hưu đối với lão động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xuống còn 15 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi.

Sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo hướng: Tăng dần mỗi năm 1 tuổi từ 01/01/2016 đến khi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên (hiện nay là 50 và 45); đối với nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi thì điều kiện hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Sửa đổi cách tính tỉ lệ % hưởng lương hưu theo lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH đối với lao động nam để được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng như sau: Nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi mỗi năm tăng thêm 01 đến khi 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45%; đối với nữ 15 năm đóng BHXH tương ứng với 45% và sau đó cả nam và nữ tính thêm 2% cho mỗi năm, mức tối đa bằng 75%…

Liên quan đến những vấn đề xung quanh việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) trong thời gian tới, BHXH Việt Nam nhấn mạnh: việc điều chỉnh giá DVYT lần này về bản chất là chuyển dịch của các khỏan chi trước đây được nhà nước bao cấp, chi trực tiếp cho các bệnh việc thì nay được kết cấu vào giá DVYT. Việc thực hiện lộ trình giá sẽ từng bước xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Liên Bộ Y tế – Tài chính và BHXH Việt Nam dự kiến lộ trình thực hiện 2 bước sau: Trong năm 2015 (dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12), khi Thông tư ban hành có hiệu lực thì thực hiện theo mức giá gồm: chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù; Từ 01/03/2016, thực hiện mức giá theo đúng lộ trình, bao gồm cả tiền lương.

Giá dịch vụ khám chữa bệnh điều chỉnh lần này sẽ áp dụng trước đối với người có thẻ BHYT. Trong năm 2016, Liên Bộ sẽ xem xét, hướng dẫn việc thực hiện đối với người không có thẻ BHYT./.

Chinhphu.vn