Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương ứng phó với mưa lũ

Mực nước trên các sông tại đồng bằng sông Cửu Long đang dâng cao. Đặc biệt, từ những ngày cuối tháng 9 đến nay, nước dâng cao đã gây thiệt hại lớn về mùa màng, tài sản cho nhân dân. 

Ngay từ những ngày cuối tháng 9/2013, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu đã là 4,12m, trên báo động 2 là 0,12m và trên sông Hậu, tại Châu Đốc là 3,36m, thấp hơn báo động 2 là 0,14m. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh với cường suất 8-10cm/ngày.

 1

Lũ đang dâng cao ở thượng nguồn sông Tiền (Ảnh: K.V)

Trước diễn biến khó lường của thời tiết, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Trung ương đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long và các ngành chức năng có biện pháp chủ động đối phó với diễn biến bất thường của lũ trong những ngày đầu tháng 10 và những ngày tiếp theo đó.

Dự báo đến ngày 4/10/2013, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 4,41m, trên báo động 2 là 0,41m. Mực nước trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,66m, trên báo động 2 là 0,16m, tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên lên mức báo động 2, một số nơi trên mức báo động 2; sau đó còn tiếp tục lên và ở mức cao.

Trước tình hình này, các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã khẩn trương tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, bọng bảo vệ các khu dân cư và sản xuất; chủ động phương án bơm nước tiêu úng để bảo vệ diện tích lúa hè thu muộn, lúa thu đông, hoa màu và cây ăn trái, đồng thời chỉ đạo khẩn trương thu hoạch diện tích lúa, hoa màu và thủy sản đã đến kỳ thu hoạch.

Các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của lũ cũng tích cực kiểm tra, rà soát lại các khu vực hiện vẫn còn các hộ dân đang sinh sống trong các vùng trũng, thấp, ngoài đê bao, bờ bao có nguy cơ bị ngập lũ để có phương án chủ động phòng, tránh, nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ tính mạng trẻ em trong mùa lũ. Ngoài ra, còn triển khai các chốt cứu hộ, cứu nạn ở các vị trí xung yếu, các khu vực nước lũ chảy xiết để kiểm soát hướng dẫn giao thông sẵn sàng ứng cứu người, tài sản và tổ chức các điểm giữ trẻ tập trung trong vùng lũ, lên kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trong mùa lũ.

Ngay từ trước khi có lũ về, để đảm bảo an toàn sản xuất nông nghiệp, tránh thất thu do lũ, không ít hộ dân ở các địa phương trong tỉnh Hậu Giang đã chủ động chọn giải pháp canh tác hợp lý hơn. Trong đó ngưng gieo sạ lúa thu -đông, hay còn gọi là vụ 3, chuyển sang nuôi cá ruộng nhằm tránh rủi ro thiệt hại do thiên tai gây ra thu được kết quả khả quan.

Cùng với công tác gia cố đê bao, cống đập ngăn lũ, bảo vệ ruộng vườn từ phía ngành chức năng thì đây được xem là cách thức ứng phó khá hiệu quả của nhiều hộ dân có đất sản xuất ở các địa bàn vùng trũng trong mùa mưa lũ hàng năm của tỉnh Hậu Giang.

Theo ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, ước tính, năm nay, diện tích lúa thu – đông của huyện là hơn 10.700 ha, giảm khoảng 500 ha so với năm trước. Trong đó, có khoảng 400 ha đất lúa ở các xã vùng trũng Hiệp Hưng, Phương Phú, Hòa An, Phương Bình… được người dân tận dụng nuôi cá ruộng nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình trong suốt thời gian nhàn rỗi của mùa nước nổi.

Tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, vụ thu- đông năm nay, toàn huyện xuống giống khoảng 13.500ha lúa, tương đương với cùng kỳ năm vừa qua. Trên cơ sở thông tin dự báo lũ lớn của các ngành chuyên môn, địa phương đã chủ động tập trung vào công tác gia cố đê bao, cống đập vững chắc trước khi lũ về. Theo tính toán của ngành chức năng huyện Vị Thủy, toàn huyện có khoảng 2.500 đến 3.000ha lúa thu- đông ở khu vực vùng trũng, do hệ thống đê bao chưa đảm bảo khép kín, có nguy cơ phải thu hoạch chạy lũ.

Trong những ngày qua đã xảy ra mưa lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long, do vậy, nông dân Hậu Giang đang phải đối mặt với việc thu hoạch lúa thu- đông trong điều kiện mưa gió thất thường, giá lúa sụt giảm mạnh.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong những ngày qua, do ảnh hưởng kết hợp của lũ thượng nguồn và triều cường Biển Đông nên mực nước các nơi trong tỉnh Đồng Tháp đang lên nhanh. Những ngày này, do bão số 10 đổ bộ vào khu vực miền Trung và gây mưa lũ tại khu vực trung lưu sông Mê Kông, nên lũ thượng nguồn đổ về mạnh kết hợp với triều cường và mưa lớn nên mực nước lũ tiếp tục tăng ở mức cao. Hiện, các huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp đang tập trung chống lũ để đảm bảo tính mạng, tài sản và hoa màu cho nông dân.

Mực nước ở huyện đầu nguồn Hồng Ngự trung bình mỗi ngày lên từ 10cm đến 20cm, chỉ thấp hơn mực nước năm 2011 khoảng 60cm. Nước lũ lên nhanh đã làm sạt lở một số đoạn đường giao thông và khu dân cư ở các xã Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A và Long Thuận. Đồng thời, đe dọa đến 2.600 ha lúa vụ 3 ở khu đê bao thuộc hai xã Thường Phước 2, Thường Thới Tiền và đe dọa đến hoa màu, ao nuôi cá ở 3 xã cù lao Long Phú Thuận.

Trước tình hình trên, huyện Hồng Ngự đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác nắm tình hình, báo cáo nhanh cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện vào 16 giờ hàng ngày; huy động lực lượng bảo vệ lúa vụ 3, kết cấu hạ tầng, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân với phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường vận động các hộ dân có nhà nằm trong vành đai sạt lở chủ động di dời nhà đến nơi an toàn, đồng thời, củng cố các chốt cứu hộ, chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời, kiểm tra các trụ điện, đảm bảo cung cấp điện cho công tác bơm rút nước.

Tại khu vực Chùa Phật nổi, ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp cũng xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 50m, có nơi ăn sâu vào đất liền từ 2 đến 3m. Tại khu vực này, từ đầu mùa lũ đến nay đã xảy ra nhiều lần sạt lở với tổng chiều dài lên đến 3,9km, ảnh hưởng đến giao thông đi lại và đời sống của hàng trăm hộ dân nơi. Hiện khu vực này còn nhiều vết rạn nứt, có khả năng sạt lở tiếp tục trong thời gian tới. Để khắc phục tình trạng này, xã Tân Bình đã được tỉnh đầu tư kinh phí hơn 85 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường khắc phục sạt lở với chiều dài 4km và hình thành tuyến dân cư để bố trí cho những hộ nằm trong vành đai sạt lở.

Không chỉ lũ lên nhanh gây ngập úng trên diện rộng, thời tiết mưa lớn kéo dài kèm theo lốc xoáy trong những ngày qua, đã làm cho nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng nề về vật chất. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra và giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, các địa phương đã khẩn trương thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại và hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại theo quy định hiện hành, đồng thời, huy động các lực lượng chức năng giúp dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống./.

Nguồn ĐCSVN