Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp

Đóng góp tại hội nghị, nhiều đại biểu đi sâu vào góp ý sửa đổi lời mở đầu của Hiến pháp.

Ngày 20/2, Đoàn đại biểu Quốc hội – đơn vị thành phố Cần Thơ hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ qua các nhiệm kỳ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 

Đóng góp tại hội nghị, nhiều đại biểu đi sâu vào góp ý sửa đổi lời mở đầu của Hiến pháp. Trong đó, phần mở đầu còn dài, cần rút ngắn gọn và nêu được tầm quan trọng của quá trình dựng nước và giữ nước cũng như sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với sự phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai. Nhất là khẳng định bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Về sửa đổi bổ sung điều 4, ông Đoàn Việt Trung – nguyên Đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ cho rằng, việc bổ sung điều này cần phải chứng minh và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng đã tổ chức và chỉ đạo mọi phong trào cách mạng của dân tộc luôn giành thắng lợi sau cao hơn thắng lợi trước.

Về mục 1 trong điều 4, ông Đoàn Việt Trung góp ý sửa đổi: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Đảng tuyệt đối không có lợi ích riêng lẻ nào khác. Thủy chung, trung thành với lợi ích giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức chỉ đạo dân tộc Việt Nam làm cách mạng dân tộc, dân chủ, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, xây dựng xã hội chủ nghĩa đến ngày hôm nay, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam. Lịch sử Cách mạng Việt Nam đã chứng minh điều đó”.

Cũng tại hội nghị phần lớn đại biểu đều có chung ý kiến đóng góp thống nhất nên thành lập Tòa án Hiến pháp thay Hội đồng Hiến pháp do Quốc hội thành lập để đủ sức kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.

Về vấn đề này ông Trần Hồng Việt  – nguyên đại Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ góp ý: “Theo tôi, trong văn bản này thành lập Hội đồng Hiến pháp mà hội đồng này là có vai trò tư vấn. Tôi nghĩ rằng cũng không chi phối được. Tôi đề nghị thành lập Tòa án Hiến pháp để có chức năng phán quyết chứ không phải để tư vấn, kiến nghị như Hội đồng Hiến pháp ở trong này. Tòa án Hiến pháp phải độc lập theo qui định của pháp luật để xét xử các vụ vi hiến”./.