Điện khí hóa nông thôn Đồng Tháp Mười

Khu vực Đồng Tháp Mười chiếm gần 50% diện tích của tỉnh Long An và điện khí hóa nông thôn để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế cải thiện đời sống cho người dân là yêu cầu thiết yếu của địa phương này.
Nỗ lực thực hiện điện khí hóa nông thôn

Vào năm 1998, trước khi thực hiện chủ trương điện khí hóa nông thôn của Chính phủ, tỉnh Long An chỉ có trên 166.000 hộ, chiếm tỷ lệ 66,9% số hộ của cả tỉnh có điện sử dụng chủ yếu sử dụng cho việc thắp sáng sinh hoạt.

Thực hiện chủ trương Điện khí hóa nông thôn của Chính phủ, Long An đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài nguồn vốn từ xây dựng cơ bản, vốn vay của các tổ chức quốc tế, chương trình điện khí hóa nông thôn còn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền địa phương và nhân dân thông qua việc đầu tư xây dựng các công trình điện nông thôn bằng nguồn vốn ngân sách, đóng góp ngày công lao động, hiến đất, cây cối hoa màu để xây dựng các công trình điện.

Đưa điện về nông thôn. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Qua 15 năm thực hiện, toàn tỉnh đã xây dựng mới đường dây trung thế dài 2.140km, đường dây hạ thế dài trên 1.360km. Dung lượng TBA xây dựng mới là 105,126MVA với tổng vốn thực hiện đầu tư toàn chương trình là 493,07 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 1998-2013, ngành Điện đã tiếp nhận 1.708km đường dây trung áp, 1.960 km đường dây hạ thế và 2.244 máy biến áp với tổng dung lượng 95.878 kVA từ các địa phương và các tổ hợp, đồng thời bán điện trực tiếp đến người dân.

“Nhờ chương trình điện khí hóa nông thôn của Nhà nước, người dân chúng tôi đã có điện để phục vụ sinh hoạt sản xuất. Đời sống sinh hoạt tốt hơn, mần ăn dễ hơn”, anh Nguyễn văn Bê, ấp Sáu Cả, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa phấn khởi cho biết.

Hiệu quả từ chương trình điện khí hóa nông thôn

Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới, chương trình Điện khí hóa nông thôn đã và đang từng ngày tạo nên sự khởi sắc, “thay da, đổi thịt” ở từng xóm ấp của Long An.

Chương trình Điện khí hóa nông thôn không chỉ giúp người dân có điện thắp sáng phục vụ sinh hoạt, các phương tiện nghe nhìn, đồ điện phục vụ cuộc sống cũng được đầu tư mua sắm nhiều hơn do đó nhu cầu sử dụng điện cũng tăng cao.

Đáng chú ý, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện trên địa bàn tăng dần trong từng năm. Cụ thể, tăng từ 66,90% năm 1998 lên 99,42% trong năm 2013, hiện nay 388.289/390.509 số hộ dân trong tỉnh có điện. Trong đó, tỷ lệ hộ dân có điện khu vực nông thôn năm 2013 đạt 99,3% (318.036/320.271 hộ dân khu vực nông thôn có điện).

Đặc biệt, chương trình điện khí hóa Nông thôn đã góp phần giúp người dân tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp với việc sử dụng các trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ thay thế các máy bơm nhỏ chạy dầu diesel giúp tiết kiệm đáng kể chi phí mua nhiên liệu, nhân công, bảo trì, sửa chữa và giúp tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Từ chương trình này, đến nay, Long An đã xây dựng 68 trạm bơm điện quy mô nhỏ phục vụ tưới tiêu cho gần 11.000 ha đất sản xuất tập trung chủ yếu ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười đã có hệ thống đê bao hoàn chỉnh và gần các đường dây tải điện.

Anh Tư Thành, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng cho biết “Máy bơm điện hiệu quả và công suất tưới tiêu lớn hơn nhiều lần máy bơm chạy dầu diesel, người dân sẽ dễ vận hành, sử dụng hơn và phục vụ tốt hơn cho hoạt động sản xuất”.

Với những nỗ lực trong chương trình điện khí hóa nông thôn, mục tiêu số xã đạt tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới ở Long An sẽ trở thành hiện thực.

Nguồn Chính phủ