Đê biển “rung rinh” vì sạt lở

Những năm gần đây, dọc theo đê biển vùng Bán đảo Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng từ Đông sang Tây. Hiện nhiều nơi đã mất rừng, bờ biển sạt lở sát tới chân đê, nhiều cư dân sống ven biển phải bỏ đi nơi khác…

Ngày đêm canh… đê biển

Mùa này, gió Tây Nam đã bắt đầu hoạt động mạnh, các con sóng lớn ngoài khơi ngày đêm dội vào làm đê biển Tây “rung rinh” dữ dội. Dọc theo tuyến đê này, từ địa phận tỉnh Kiên Giang đến mũi Cà Mau bị sạt lở rất nghiêm trọng, có nơi cây rừng bị sóng đánh bật gốc nằm la liệt, sạt lở nhiều nơi.

Là người dân nhiều năm sống nơi cửa biển, ông Hồ Chí Linh (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) lo lắng: “Khu vực bờ biển vàm Ba Tỉnh bị sạt lở nhiều lắm, đất lở ngày càng nhiều và nhanh. Hiện có đoạn lở tới đê luôn, không còn cây rừng che chắn gì nữa hết. Vì vậy, nhiều lúc sóng lớn đánh tràn qua thân đê. Dân chúng tôi sống ở đây mà nơm nớp lo âu”.

Lúc chúng tôi đi ghi nhận về tình hình thực tế sạt lở khu vực biển Tây, đoạn Đá Bạc- Kinh Mới, thì gặp nhiều cán bộ đê điều đang tất bật gia cố khẩn cấp đê. Nhiều cừ tràm được tập kết để đóng xuống biển nhằm hạn chế sóng tác động trực tiếp đánh vào bờ làm vỡ đê. Ông Bùi Văn Đồng, Hạt trưởng Hạt đê điều tỉnh Cà Mau, cho biết: “Mùa này anh em làm nhiệm vụ hộ đê hầu như ăn ở suốt ngày theo các con đê. Các em anh luôn khảo sát, theo dõi chặt diễn biến đê nhằm có những giải pháp gia cố kịp thời tránh để xảy ra tình xấu là vỡ đê”.

Dọc theo đê biển Đông, thuộc vùng bán đảo Cà Mau cũng bị sạt lở không thua kém gì đê biển Tây. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại đoạn đê khu vực Nhà Mát (TP Bạc Liêu), nhiều đoạn đai rừng còn rất mỏng, có đoạn sóng đánh  trực tiếp vào tận chân đê. Theo khảo sát của Chi cục Thủy lợi Bạc Liêu, trên địa bàn có 2 điểm nóng bị sạt lở là đoạn giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến kênh 30/4 (dài khoảng 11km) và đoạn cuối từ kênh số 3 đến cửa sông Rành Hào (dài khoảng 4km). Tương tự, tình trạng đê biển Đông cũng bị sạt lở nghiêm trọng đi qua địa phận tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau.

Thử nghiệm các mô hình mới

Trong những năm qua, rừng phòng hộ ven biển chịu tác động rất lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu, nhiều thảm rừng ven biển đã bị biến mất. Theo Chi cục Thủy lợi Cà Mau, những năm gần đây, bờ biển bị sạt lở trung bình hàng năm từ 15 – 25m, có đoạn sạt lở đến 50m/năm như đoạn Đá Bạc đến cống Kênh Mới, đoạn Tiểu Dừa, đoạn Khánh Hội đến cống Ba Tỉnh…

Đê biển Tây – đoạn đi qua địa phận tỉnh Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng

Ông Trần Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết: “Trước thực trạng đê biển bị sạt lở nghiêm trọng, tỉnh đề ra nhiều giải pháp, tích cực triển khai thí điểm nhiều công trình, phi công trình, áp dụng cho các dạng sạt lở khác nhau như: kè tạo bãi kết hợp với trồng rừng ngập mặn ven biển, kè mềm giảm sóng gây bồi tạo bãi và trồng rừng chống xói lở… Mục tiêu là tìm giải pháp tối ưu sao cho suất đầu tư thấp, hiệu quả, ngăn chặn được sạt lở”.

Tại tỉnh Bạc Liêu, ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh này, cũng cho biết đang cho triển khai thử nghiệm một số mô hình kè có chi phí thấp. Cụ thể như: công trình thử nghiệm đê mềm bằng túi Geotube, chiều dài khoảng 1km với kinh phí 5 tỷ đồng tại khu vực Nhà Mát; kè bán kiên cố bằng hai hàng cọc bê tông cốt thép bề rộng khoảng 1m, chiều dài khoảng 45m, giữa hai hàng cừ bê tông bỏ vào các bó cừ tràm để lọc sóng, tại khu vực Nhà Mát; kè bằng cọc tre hình thức giống như mỏ hàn tại khu vực Cầu Thăng (cả ba công trình thử nghiệm điều ở địa bàn TP Bạc Liêu).

“Các công trình thử nghiệm bước đầu cho thấy có hiệu quả giảm sóng, gây bồi, khôi phục rừng phòng hộ. Tuy nhiên, các công trình thử nghiệm còn đang được theo dõi đánh giá các ưu điểm và nhược điểm. Sau đó, sẽ đúc kết triển khai trên diện rộng. Mục đích là tìm giải pháp tối ưu nhất, giảm chi phí xây dựng các công trình chống sạt lở…” – ông Ẩn cho biết.

Nguồn SGGP