Công đoàn Viên chức Việt Nam góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Ngày 21/3, tại Hà Nội, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Đào Văn Ngọc chủ trì Hội thảo.

 

 Quang cảnh hội thảo – Ảnh: TH

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Công đoàn và hơn 20 Chủ tịch công đoàn các bộ, ban, ngành Trung ương….

Các đại biểu đều nhất trí với các nội dung sửa đổi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Dự thảo đảm bảo là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo, ổn định lâu dài.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung liên quan tới việc chuyển Chương V về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên vị trí Chương II. Các đại biểu cho rằng đây là một việc làm hết sức hợp lý, thể hiện được kết cấu logic của một bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ. Việc chuyển Chương quyền con người lên Chương II đồng thời thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao các giá trị của quyền con người, thể hiện rõ nét tư tưởng, quan điểm coi trọng quyền con người trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Từ vị trí này có thể nhận thấy rằng, tất cả mọi hoạt động của Nhà nước đều phải lấy quyền con người làm cơ sở, làm mục tiêu phấn đấu cho hoạt động, cống hiến của mình.

Các đại biểu cũng đi sâu thảo luận, góp ý vào Điều 10 về Công đoàn Việt Nam, làm rõ những cơ sở khoa học của việc quy định trong Hiến pháp về Công đoàn, những vấn đề liên quan đến chức năng, quyền hạn của tổ chức Công đoàn. Trước những ý kiến về việc xóa bỏ Điều 10, các đại biểu đề nghị giữ nguyên các quy định hiện hành về Công đoàn Việt Nam trong Hiến pháp. Tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong quá trình CNH-HĐH, các đại biểu cũng tập trung góp ý, sửa đổi Điều 10 như sau: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung góp ý về tên gọi Hiến pháp, bố cục Hiến pháp, về lời nói đầu, chế định liên quan đến Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân…/.