Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý đất đai, khoáng sản

Tiếp tục phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 20/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời chất vấn về công tác quản lý đất đai, trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang
 trả lời chất vấn, chiều 20/8. Ảnh: vov.vn

Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm

Tại phiên chất vấn đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) đặt vấn đề: Hiện nay, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đất đai, một số văn bản còn mâu thuẫn, thiếu tính khả thi dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) còn tồn đọng. Vậy Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ về vấn đề này và Bộ đã có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ?

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận, hiện nay các văn bản chưa thống nhất khiến việc cấp GCNQSDĐ gặp nhiều khó khăn. Qua thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, Bộ đã đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành cấp GCNQSDĐ để quản lý đất đai cho tốt.

Để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Trong thời gian qua Bộ đã tổ chức nhiều buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có tỷ lệ cấp GCN thấp để đánh giá tình hình và quán triệt, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy; đã tổng hợp nhu cầu kinh phí phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận tại các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ cho một số địa phương khó khăn, có tỷ lệ cấp GCN đạt thấp; đã cử các đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Bộ đã đề nghị chỉ đạo các cấp, các ngành ở địa phương có tỷ lệ cấp GCN thấp ở nhiều loại đất chính cùng vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ cấp GCN trong năm 2013.

Vừa qua, Bộ cũng đã báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì 2 buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành có liên quan để đánh giá tình hình và đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bộ cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho 42 tỉnh khó khăn để thực hiện cấp giấy chứng nhận trong năm 2012.

Tiếp tục chất vấn, Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang làm rõ nguyên nhân tại sao một số tỉnh chưa đạt tiến độ về việc CGCNQSĐ như đặt ra và đề nghị Bộ trưởng công khai danh sách các địa phương chưa triển khai việc đẩy mạnh cấp GCNQSDD?

Trả lời đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, tính đến nay kết quả cấp GCN của cả nước trong 6 tháng qua vẫn còn đạt thấp (đạt 21,6% về diện tích so với kế hoạch thực hiện năm 2013); trong đó cấp chậm nhất là các tỉnh, thành phố: Gia Lai, Điện Biên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Nghệ An, Hải Phòng, Phú Yên, Đắk Nông.

Bên cạnh đó, khối lượng còn lại cần cấp GCN các loại đất chính trong năm 2013 của cả nước vẫn còn nhiều. Trong đó, số lượng tồn đọng tập trung chủ yếu ở 18 tỉnh có nhiều khó khăn, không cân đối đủ ngân sách để thực hiện gồm: Tuyên Quang, Bắc Cạn, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Gia Lai, Đăk Nông, Đắk Lắk.

Nguyên nhân khiến một số tỉnh cấp GCN nhận chậm chủ yếu là do: Phần lớn các trường hợp còn lại chưa cấp GCN không có giấy tờ hợp lệ, có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai, chủ yếu do mua bán, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép… Kinh phí các địa phương đầu tư cho thực hiện đo đạc, cấp GCN còn hạn chế so với yêu cầu do điều kiện thu ngân sách của các địa phương hiện nay còn nhiều khó khăn, nguồn thu từ tiền sử dụng đất trong năm 2012- 2013 giảm mạnh. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu, hồ sơ địa chính và cấp GCN năm 2012 cho 42 tỉnh với tổng kinh phí là 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên số kinh phí này các địa phương chủ yếu sử dụng chi trả cho khối lượng đã thực hiện trong năm 2012 và những năm trước.

Bên cạnh đó, một số quy định hiện hành liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân còn chưa hợp lý, thống nhất; nhiều địa phương chưa có bản đồ địa chính, nhất là ở khu vực đồng bằng và các nông, lâm trường; nhiều khu vực đã có bản đồ địa chính nhưng đã có nhiều biến động mà không được chỉnh lý biến động, nhất là ở vùng ven các đô thị.

Về vấn đề công khai danh sách địa phương chưa triển khai việc cấp GCNQSDĐ, Bộ trưởng xin phép không nêu tên và việc này sẽ xin chờ đến 31/12/2013 Chính phủ sẽ có danh sách cụ thể về việc phê bình các tỉnh chưa triển khai. Bộ trưởng cũng cho biết, về vấn đề này Bộ xin nhận trách nhiệm và thời gian tới sẽ tích cực rà soát, đôn đốc các tỉnh thực hiện mục tiêu Quốc hội đề ra.

Nhiều giấy phép khai thác khoáng sản được cấp không đúng quy định

Về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản, đại biểu Hà Sơn Nhin (Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai) cho rằng mặc dù Luật Khoáng sản sửa đổi đã chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2011, như việc đấu giá khai thác khoáng sản; mức thu và phương thức thu tiền khai thác khoáng sản… nhưng hiện nay còn hàng loạt vấn đề mà địa phương chưa biết xử lý ra sao? Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang làm rõ vấn đề này?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, đúng là có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi) đến nay vẫn chưa ban hành được. Tuy vậy, vừa qua Bộ đã trình Chính phủ xem xét ban hành hai nghị định về hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi) và về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Bộ trưởng cũng cho biết, vẫn biết các địa phương rất trông chờ các văn bản này, nhưng nó liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Bởi vậy, cần làm cho kín kẽ hơn.

Đại biểu Danh Út (Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc) đã đi thẳng vào những bất cập trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Đại biểu dẫn chứng những vi phạm luật khoáng sản như không có đấu giá, hoặc cấp phép khi hồ sơ không có giấy chứng nhận đầu tư hoặc cấp phép không có đánh giá tác động môi trường. Bởi vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu vụ vi phạm về cấp giấy phép khai thác khoáng sản và ở tỉnh nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Danh Út, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay, tình hình nhìn chung vẫn còn phức tạp. Tổng cộng có tới hơn 950 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp không đúng với các quy định pháp luật ở nhiều dạng sai phạm khác nhau. Bộ đã kiến nghị xử lý và Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các tỉnh khắc phục, báo cáo kết quả xử lý trước ngày 30/11/2013.

Đặc biệt, việc khai thác, xuất khẩu cát sỏi lòng sông có tới hơn 30 địa phương để xảy ra sai phạm. Về quy hoạch khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ làm cơ sở cho các địa phương cấp phép, Bộ trưởng cho biết đã công bố 84 khu vực; nhưng khuyến cáo các địa phương cần hết sức kiềm chế, càng đào bới nhiều ở những khu vực nhỏ lẻ này bao nhiêu thì ngân sách không thu được là bao, mà người dân thì rất khổ.

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) nêu lên tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, không theo dự án được phê duyệt; việc phục hồi hiện trạng sau khai thác có nhiều bất cập. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân và giải pháp của tình trạng trên.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận khuyết điểm khi không thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, cần xử phạt các địa phương buông lỏng quản lý.

Về nguyên nhân của thực trạng khai thác khoáng sản trái phép, Bộ trưởng cho biết, do điều kiện kinh tế khó khăn, mức sống của người dân địa phương thấp, thiếu việc làm nên hoạt động khai thác khoáng sản trái phép quy mô nhỏ khá phổ biến. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản cũng chưa thường xuyên, chưa sâu rộng khiến nhận thức của địa phương và người dân trong bảo vệ và khai thác khoáng sản chưa được tốt.

Bộ trưởng cũng cho biết, đối với một số địa phương có điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép, hiện nay Bộ đã trực tiếp làm việc với tỉnh và chỉ đạo xây dựng quy định trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương xảy ra khai thác khoáng sản trái phép. Hiện Bộ cũng đang chỉ đạo việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết về công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác phù hợp với thực tế, có tính khả thi. Theo đó sẽ phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan; gắn trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với người đứng đầu các cấp chính quyền tại địa phương; đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở./.