Cân nhắc việc không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với một số tội danh

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII, chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi).

Đề cập đến những sửa đổi trong Bộ luật hình sự, đại biểu Đỗ Kim Tuyến (TP Hà Nội) cho rằng, việc đưa nhiều điểm mới vào trong Bộ Luật hình sự như bỏ hình phạt tử hình; quyền im lặng; hạn chế áp dụng hình phạt cưỡng chế… là sự tiến bộ. Tuy nhiên, việc sửa đổi phải đảm bảo các yếu tố, điều kiện để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử không bị hạn chế, cản trở.

 Đại biểu Quốc hội Đỗ Kim Tuyến (TP Hà Nội) phát biểu ý kiến.
Ảnh: Phương Hoa- TTXVN

Góp ý về bỏ hình phạt tử hình một số tội, đại biểu Đỗ Kim Tuyến đề nghị cân nhắc không bỏ tử hình đối với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy. “Trong thực tiễn có khoảng 60% số vụ ma túy bị phát hiện, xử lý với số ma túy vận chuyển rất lớn do nhiều nguyên nhân không xác định được hành vi mua bán nên truy tố với tội danh vận chuyển. Hiện nay, vận chuyển ma túy biên giới ngày càng phức tạp, hình thành các tổ chức chuyển vận chuyển ma túy, các nhóm từ 10-30 người với số lượng ma túy rất lớn, có vũ trang, hoạt động liên tục với khối lượng vận chuyển lớn vào nội địa. Vì vậy đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình đối với tội danh này” – đại biểu Đỗ Kim Tuyến nói.

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người 75 tuổi trở lên. Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (tỉnh Phú Yên) cho rằng như vậy thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta. Không tử hình không có nghĩa là tha mạng mà chuyển xuống thành tù chung thân. Hơn nữa, người 75 tuổi bị tù chung thân cũng không sống được bao lâu nữa.

Ngoài ra, đại biểu Kim Chi nhất trí không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

“Việc thu hồi tài sản lâu nay rất khó, trong khi mục tiêu của án hình sự ngoài việc giáo dục, răn đe, ngăn ngừa tội phạm còn phải tính đến khắc phục hậu quả kinh tế với mục đích thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Nếu bị tử hình thì rất khó thu hồi tài sản, nhưng để họ sống sẽ khắc phục hậu quả nhiều hơn. Đây là điểm mang tính nhân văn” – đại biểu Kim Chi lập luận.

Đại biểu Đỗ Kim Tuyến (TP Hà Nội) cũng đồng tình không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người từ 75 tuổi trở lên… nhưng kèm theo một số nguyên tắc, điều kiện cụ thể. Đây là điểm mới, thể hiện tính nhân đạo cao. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị để tránh có kẽ hở sẽ tạo ra sự vận dụng không đúng cần quy định chặt chẽ hơn, đối tượng áp dụng, cân nhắc chế định này với các điều khoản trong luật.

Nhiều ý kiến tán thành việc thay thế “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bằng 09 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; bồi thường thu hồi đất.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) không đồng tình việc dùng từ thay thế “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Đại biểu đề xuất, rất cần thiết phải xử lý loại tội phạm này và thay cụm từ “trái quy định của Nhà nước” bằng “trái pháp luật của Nhà nước”.

Về quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình xuống thành tù chung thân, đại biểu Vũ Xuân Trường đề nghị xem xét lại quy định đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân đã chấp hành hình phạt 25 năm tù rồi mới được xét giảm lần đầu là quá khắt khe, dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn chấp hành là tù 30 năm. Đại biểu đề nghị cần chỉnh sửa hợp lý để bảo đảm tính khả thi.

Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể các tình tiết như: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “tài sản có giá trị lớn”, “tài sản có giá trị rất lớn”, “tài sản có giá trị đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”, bảo đảm phù hợp với tinh thần Hiến pháp và áp dụng thống nhất pháp luật.

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cho rằng, dự thảo Bộ luật còn quá nhiều điều luật mà mức hình phạt tối thiểu và mức hình phạt tối đa trong cùng một khung có sự chênh lệch lớn, đặc biệt có 42 tội danh mà mức phạt tù trong cùng một khung hình phạt có mức chênh lệch 8 đến 10 năm, có thể dẫn đến sự tùy tiện và thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật./.

Nguồn ĐCSVN