Cần chiến lược tổng thể để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa

       Sau 3 năm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, tỉ lệ tiêu dùng hàng Việt đã tăng lên mạnh mẽ, đồng thời chất lượng hàng hóa trong nước cũng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để hàng Việt Nam thực sự chiếm lĩnh thị trường nội địa, rất cần một chiến lược tổng thể.

Nâng cao vị thế hàng Việt

Theo số liệu của Bộ Công Thương, mặc dù hệ thống phân phối hiện đại chỉ chiếm 20% thị phần của ngành bán lẻ trong cả nước nhưng đây đang là một kênh quảng bá rất hữu hiệu cho hàng Việt. Trong hệ thống siêu thị hiện nay, hàng hoá sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn từ 70-80% là hàng sản xuất trong nước. Tâm lý mua hàng của người tiêu dùng cũng đã thay đổi, thay vì lựa chọn các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài, người tiêu dùng đã chú trọng lựa chọn các mặt hàng được sản xuất trong nước. Người tiêu dùng đã có chiều hướng tăng sử dụng hàng nội đối với một số mặt hàng trước đây hàng ngoại được ưa chuộng, như đồ gia dụng, sữa, thực phẩm chức năng, bia, rượu, nước giải khát… Các mặt hàng may mặc, thực phẩm tươi sống, đông lạnh… hàng Việt Nam chiếm gần như tuyệt đối. Theo báo cáo về bán lẻ tại Việt Nam năm 2011 của Nielsen, trên 83% người tiêu dùng được khảo sát cho rằng, trong tương lai họ sẽ mua hàng Việt Nam nhiều hơn.

 

 Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Ảnh minh họa (Đồ Huyền)


Thời gian qua, nhiều cơ sở bán lẻ hiện đại như các siêu thị, cửa hàng kinh doanh theo chuỗi đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên nhằm đẩy mạnh bán hàng Việt, vì vậy tỷ lệ tiêu thụ hàng trong nước tăng lên đáng kể. Các nhà phân phối cũng đã có nhiều chương trình kích cầu nhằm đẩy mạnh hơn nữa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Nhiều năm gần đây, những siêu thị trên đã tổ chức các chương trình khuyến mãi nối tiếp nhau, trong đó hầu hết là hàng Việt, như chương trình khuyến mãi “Tự hào hàng Việt” (Sài Gòn Coop mart), các chương trình khuyến mãi với quy mô lớn dành cho hàng sản xuất trong nước như “Người Việt dùng hàng Việt”, “Tuyệt vời hương vị Việt”… của Big C.

Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong nước đã cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. nhà sản xuất Việt Nam như Kinh Đô (bánh kẹo…), Vinamilk (sữa), Bia Việt Hà, Halida, Vĩnh Tiến (giấy), Đại Đồng Tiến (đồ nhựa)… và nhiều nhà cung cấp khác đang chiếm ưu thế trong các siêu thị. Hiện các nhà phân phối như Metro, Big C, Sài Gòn Coopmart, Fivimart, Hapro với lợi thế về số lượng hàng cung ứng trong cả nước cũng đã tăng cường hợp tác với các trang trại chăn nuôi, rau sạch để có nguồn rau, củ, quả, thực phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm với giá cả phải chăng.

Có thể thấy, vị thế của hàng Việt được nâng lên như hiện nay có sự đóng góp không nhỏ của các nhà bán lẻ hiện đại, với vai trò “cầu nối” giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Cần chiến lược tổng thể đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng

Lý giải về việc hàng Việt Nam còn chưa thâm nhập tốt vào thị trường nội địa, bà Vũ Thị Hậu- Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam- đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho rằng, hàng Việt Nam mẫu mã còn đơn điệu chưa bắt mắt, chất lượng bao bì chưa tốt, chưa đẹp, chất lượng sản phẩm còn hạn chế, giá thành chưa hấp dẫn, chưa có sản phẩm mang tính sang trọng bền đẹp- đây chính là những rào cản đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Hơn nữa, tính liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối trong chưa cao. Việc đầu tư tạo vùng nguyên liệu hàng hoá ổn định cũng còn rất yếu, chính vì vậy sự chủ động trong cung ứng hàng hoá bị hạn chế dẫn đến giá cả không ổn định.

Để thâm nhập tốt kênh phân phối hiện đại và thị trường nói chung, đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng, theo ông Vũ Thanh Sơn- Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), các nhà sản xuất hàng Việt cần tập trung đầu tư những yếu tố chất lượng hàng hoá, làm tốt vấn đề thương hiệu để người tiêu dùng bắt nhịp với hàng hoá Việt Nam. Cùng với đó là giá thành sản phẩm, bởi với chất lượng tương đương nhưng giá thành rẻ hơn sẽ tạo ra thế mạnh của hàng Việt có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cần mạnh dạn đầu tư công nghệ mới nhằm tạo ra những sản phẩm có tính năng vượt trội, có mẫu mã kiểu dáng hấp dẫn, đón đầu xu hướng tiêu dùng.

Một trong những giải pháp quan trọng để đưa hàng Việt Nam tiếp cận với người tiêu dùng là các doanh nghiệp phân phối cần đa dạng phương thức bán hàng, như đưa hàng bình ổn giá về nông thôn, các khu công nghiệp tập trung đông công nhân, người lao động có thu nhập nhấp, thông qua các chuyến bán hàng Phiên chợ Việt, bán hàng lưu động bình ổn giá, bán hàng chính sách xã hội để đưa hàng Việt Nam tới tận tay người tiêu dùng, tổ chức đưa hàng Việt vào các bếp ăn tập thể, bệnh viện, trường học… Cùng với đó, bản thân các nhà phân phối cần tích cực ngăn chặn hàng hóa kém phẩm chất, hàng nhái, hàng giả gây thiệt hại đến uy tín của hàng hóa Việt Nam và lợi ích của người tiêu dùng.

Với gần 90 triệu dân, thị trường bán lẻ Việt Nam rất hứa hẹn cho các nhà sản xuất cũng như bán lẻ. Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa Việt Nam, đặc biệt trong hệ thống bán lẻ hiện đại, theo bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thời gian tới, các bộ ngành cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong phạm vi không vi phạm các cam kết mở cửa thị trường, như: hỗ trợ về đào tạo, tư vấn pháp lý, tiếp thị và xúc tiến thương mại; tổ chức tốt mạng lưới phân phối nhằm tạo điều kiện cho nhân dân trên khắp các vùng miền Tổ quốc có điều kiện tiếp cận hàng Việt Nam./.