Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Chiều ngày 13/5/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ tiếp nhận và công bố bộ Atlas thế giới, xuất bản ở Bruxelles 1827, trong đó có một số tư liệu bản đồ có giá trị quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Đến dự buổi Lễ, về phía Bộ Thông tin và Truyền thông có Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; các Thứ trưởng: Trần Đức Lai, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Minh Hồng cùng đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ.

Về phía các bộ ngành Trung ương có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên Môi trường; Bộ Tư lệnh Hải quân; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Cục An ninh truyền thông A87 – Bộ Công an; Cục Kiểm ngư – Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…; các nhà khoa học,GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Bá Diễn, Giám đốc Trung tâm Luật biển Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội…

Về phía cơ quan ngoại giao có đại diện các Đại sứ quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Indonesia; Phi-lip-pin; Campuchia; Thái Lan; Cộng hòa Pháp; Hàn Quốc; Ấn Độ;… cùng đông đảo các nhà báo trong nước và quốc tế tham dự.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tiếp nhận bộ Atlas Thế giới xuất bản tại Bruxelles năm 1827 từ ông Ngô Chí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm ECO. Ảnh: Mic.gov.vn

 Năm 1827 Philippe Vandermaelen (1795-1869), nhà Địa lý học kiệt xuất, thành viên Hội Địa lý Paris xuất bản bộ Atlas Thế giới gồm 6 tập với 7 bản đồ chung của 5 châu lục, 381 bản đồ chi tiết, 40 trang bảng thống kê và nhiều thông tin về địa lý tự nhiên, chính trị, khoáng sản.

Bộ Atlas được hoàn chỉnh trên cơ sở những tấm bản đồ tốt nhất thế giới lúc đó, cùng những thông tin từ quan sát thiên văn hay những chuyến du hành ở nhiều nơi trên Trái đất và được vẽ thống nhất theo tỷ lệ 1/1641836, kích thước 53,5 x 37cm, có thể được ghép lại thành quả địa cầu đường kính 7,755m. Đây thực sự là một cột mốc lớn đánh dấu giai đoạn phát triển vượt trội của công nghệ vẽ và in bản đồ hiện đại ở đầu thế kỷ XIX. Đã gần 200 năm nay, bộ Atlas đã trở nên hết sức nổi tiếng, được khai thác sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.

Bản đồ các nước Châu Á gồm 111 tấm, được xếp chủ yếu trong tập hai của bộ Atlas. Việt Nam khi đó được giới thiệu thông qua các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110. Partie de la Cochinchine là tờ số 106, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16. Phía ngoài khơi, PARACELS (Hoàng Sa) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Quần đảo PARACELS trong bản đồ có các đảo Pattles, Duncan ở phía tây; Tree và Lincoln, Rocher au desus de l’eau (Bãi đá ngầm) ở phía đông và Triton ở phía tây nam, ngay dưới vĩ độ 16; Investigateur ở sâu xuống phía nam khoảng vĩ độ 14,5. Bên cạnh khu vực được xác định là PARACELS, bản đồ có một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d’An-nam).

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Mic.gov.vn

 Tiếp liền Partie de la Cochinchine ở phía trên là tấm số 98 mang tên Partie de la Chine trong khoảng vĩ độ 18 – 21 và kinh độ 106 – 114 vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam, cho biết biên giới cực nam của Trung Quốc chưa chạm đến vĩ độ 18. Tất cả các bản đồ của Trung Quốc từ thập kỷ đầu thế kỷ XX trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương Tây không hề vẽ lãnh thổ cực nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18. Điều này không chỉ phản ánh tính khách quan, chuẩn xác của bộ Atlas, mà còn góp phần làm tăng thêm giá trị minh chứng chủ quyền của Việt Nam ở Paracels đã được thể hiện trong Partie de la Cochinchine.

Bắt đầu từ thế kỷ XVI đã có một số bản đồ phương Tây vẽ về khu vực Đông Ấn có đánh dấu địa danh Paracels (Hoàng Sa) ở giữa Biển Đông và khu vực bờ biển phía tây Paracels (bờ biển miền Trung Việt Nam) được đánh dấu là Costa de Paracels (bờ biển Hoàng Sa). Bước sang thế kỷ XVII và nhất là thế kỷ XVIII, nhiều bản đồ đã thể hiện rõ ràng hơn vị trí, đặc điểm địa lý và mối quan hệ chủ quyền của Paracels với khu vực Đàng Trong, tuy vậy hầu hết các bản đồ này vẫn xếp Paracels vào chung khu vực Đông Ấn.

Phải đến đầu thế kỷ XIX, khi Vương triều Nguyễn được thành lập với sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam một cách đầy đủ, thật sự theo đúng nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ được phương Tây thừa nhận và ca ngợi, bản đồ phương Tây mới chính thức xác nhận quần đảo Paracels nằm trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và thuộc về nước Việt Nam. Partie de la Cochinchine là bản đồ đầu tiên đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, minh chứng một cách rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Paracels đã được quốc tế ghi nhận.

Ảnh minh họa

Bộ Atlas Thế giới 6 tập xuất bản tại Bruxells năm 1827. Ảnh: Mic.gov.vn

 Bộ Atlas Thế giới của Philippe Vandermaelen nói chung và Partie de la Cochinchine nói riêng xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học chuẩn mực của công cuộc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo, mà còn là một bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Nhờ có đồng nghiệp ở Paris mà những nhà sưu tầm đã có được những thông tin đầu tiên về bộ Atlas; được Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện mở rộng khai thác nhiều nguồn thông tin liên quan. Ông Ngô Chí Dũng, Tổng Giám đốc công ty Dược phẩm ECO đã tài trợ kinh phí cho các nhà sưu tầm tiến hành khảo sát 5 bộ Atlas ở các thư viện Quốc gia Pháp, Bỉ, thư viện Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ, thư viện trường Đại học Y Paris; thảo luận và thống nhất đánh giá với các chuyên gia Địa lý học, Bản đồ học, Sử học, Luật học, Thư viện học ở Paris, Bruxelles để có cơ sở xác định bộ Atlas Thế giới của Hiệu sách cổ Sanderus, số 32, Nederkouter, thành phố Gent, nước Bỉ là bộ gốc xuất bản tại Bruxelles năm 1827. Sau khi có được những thông tin quan trọng này, ông quyết định mua trọn bộ 6 tập Atlas Thế giới để làm dầy dặn thêm cơ sở lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam ở Paracels.

Trong bộ Atlas này các đường biên giới, các phạm vi lãnh thổ, lãnh hải được phân định rõ ràng, mạch lạc và rất dễ nhận biết. Quý vị nếu thấy có gì cần phải xác minh thì có thể nhanh chóng kiểm tra trên mạng hay trực tiếp nghiên cứu các bản nguyên gốc được lưu trữ trong nhiều thư viện, kho sách ở châu Âu, châu Mỹ… và bây giờ là ở Hà Nội, Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, việc tiếp nhận và công bố bộ Atlas thế giớiBruxelles 1827 hôm nay là một phần trong nhiều hoạt động do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ“Tăng cường công tác sưu tầm, thẩm định, công bố, sử dụng các tài liệu, bản đồ, ấn phẩm liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam”.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, các học giả, Việt kiều yêu nước tổ chức Triển lãm, trưng bày bản đồ và tư liệu lịch sử Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có kế hoạch đưa ra nước ngoài nhằm khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy nhiên, từ ngày 1/5/2014 đến nay, tình hình Biền Đông trở nên vô cùng căng thẳng khi Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam.

Chủ trương của Việt Nam là thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển, phù hợp với các quy định và thực tiễn Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Bộ Atlas thế giới Bruxelles1827 mà Bộ tiếp nhận ngày hôm nay là một bằng chứng quan trọng các căn cứ pháp lý này.

Cũng theo Bộ trưởng, trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ của Bộ thông tin và Truyền thông trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh sưu tầm, thẩm định, công bố, các tài liệu, bản đồ, ấn phẩm liên quan đến chủ quyển biển, đảo Việt Nam phục vụ công tác tuyên truyền trong nước và quốc tế về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhân dịp này Bộ trưởng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và cá nhân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế cùng tham gia, góp sức về vật chất và tinh thần cho công tác tuyền truyền về chủ quyền biển đảo hiện nay.

Nguồn Vnmedia