Bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng mạnh tại đồng bằng sông Cửu Long

Bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng tại các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với số ca mắc tăng từ 15% đến 30%. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, nơi tiếp nhận điều trị bệnh từ nhiều tỉnh, thành trong khu vực, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị từ 35-45 bệnh nhi mắc tay chân miệng. Đến thời điểm này, bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào liên quan đến tay chân miệng nhưng số ca mắc độ 3, độ 4 lại xuất hiện khá nhiều.

 Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: Nguồn Phương Vy/ TTXVN)

Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, trong những ngày gần đây tình trạng 2-3 trẻ mắc bệnh tay chân miệng cùng nằm một giường đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Với 25 giường bệnh nhưng mỗi ngày tại đây tiếp nhận thêm khoảng 40 trẻ mắc tay chân miệng đến từ Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực như: Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng… Theo thống kê của khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, có tuần chỉ tiếp nhận điều trị khoảng 25-30 bé mắc tay chân miệng, nhưng có tuần tiếp nhận đến 43 bé mắc bệnh này đến điều trị.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cần Thơ, trong khoảng 2 năm trở lại đây, bệnh tay chân miệng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long hầu như xuất hiện quanh năm, cao điểm thường rơi vào 2 thời điểm từ tháng 3 đến 5 và từ tháng 9 đến tháng 11. Do đó, ngành chuyên môn đánh giá diễn biến của bệnh tay chân miệng tại thời điểm này là không bất thường. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó ý thức và sự hiểu biết của người dân về căn bệnh này sẽ quyết định diễn biến của bệnh trong thời gian tới.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cần Thơ khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh tay chân miệng chủ yếu là làm vệ sinh cá nhân, trong khi thực hành vệ sinh cá nhân người dân chưa thực hiện tốt, do đó cũng có nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Để phòng bệnh tốt, nhất là với các hộ gia đình có con dưới 5 tuổi, cần thực hiện tốt một số biện pháp, quan trọng nhất là vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch cho trẻ cũng như người chăm sóc trẻ. Khi phát hiện bệnh thì cho trẻ nghỉ học, cách ly tại nhà; những vật dụng đồ chơi phải rửa sạch, sát khuẩn, lau sàn nhà sát khuẩn đầy đủ./.

Nguồn ĐCSVN