Báo Quân đội nhân dân tổ chức tọa đàm tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Chiều 13/3, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức cuộc tọa đàm một số nội dung về xây dựng Quân đội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được nêu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tham dự cuộc tọa đàm có Trung tướng, PGS,TS Nguyễn Ngọc Hồi, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân; Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tiến Bình, nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng; Trung tướng, PGS, TS Trần Thái Bình, nguyên Viện trưởng Chiến lược Quốc phòng; Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ, chuyên viên Viện Chiến lược Quốc phòng; Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Vĩnh Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học, Xã hội và Nhân văn Quân sự; TS, giảng viên cao cấp Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện nhân quyền, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

 

Toàn cảnh hội nghị. (Nguồn: qdnd.vn) 

Chủ trì cuộc tọa đàm, thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng các ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hơn 2 tháng qua, Báo đã chủ động, tích cực tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ và có nhiều hình thức phong phú tập hợp ý kiến nhân dân. Đồng thời Báo cũng đã lựa chọn những ý kiến hay, sâu sắc, có chất lượng để đăng tải trên các ấn phẩm của đơn vị. Các ý kiến được đăng trên Báo Quân đội nhân dân không chỉ phân tích, làm rõ nhiều vấn đề quan trọng được nêu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mà còn là cơ sở khoa học cả về lý luận và thực tiễn phản bác lại những âm mưu, luận điệu chống phá của các thế lực phản động, cơ hội chính trị hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với lực lượng vũ trang nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia cuộc tọa đàm đánh giá, việc bàn về xây dựng Quân đội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được nêu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ý nghĩa quan trọng không chỉ quyết định đến vị trí, vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Quân đội; mà còn là con đường để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung tham gia làm rõ hơn một số nội dung về xây dựng Quân đội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được nêu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như: Khẳng định bản chất giai cấp của quân đội nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng; sự cần thiết phải hiến định vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trong Hiến pháp (Điều 70, Chương IV); nội hàm và hình thức thể hiện vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Quân đội nhân dân Việt Nam; chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước trong quản lý, điều hành và chỉ huy lực lượng vũ trang nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tham gia đóng góp, đề nghị cơ quan soạn thảo Hiến pháp chỉnh sửa một số câu chữ để những nội dung liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Quân đội được chặt chẽ, rõ nghĩa hơn./.