UBND tỉnh Tiền Giang triển khai Nghị quyết của HĐND về phát triển kinh tế – xã hội năm 2018

(THTG) Ngày 14/12, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức triển khai Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang về phát triển kinh tế xã hội, trong năm 2018, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Xây dựng nông thôn mới gắn với đổi mới tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

 vlcsnap-2017-12-14-15h09m12s916

vlcsnap-2017-12-14-15h12m11s239

Quang cảnh hội nghị  triển khai Nghị quyết của HĐND. Ảnh: Khánh Hồng

Trên cơ sở đó, dự kiến năm 2018 tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 9 đến 9,5%, giá trị sản xuất toàn tỉnh đạt khoảng 192.890 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ, GRDP bình quân đầu người ước đạt 48 triệu đồng/người/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,65 tỷ USD; Tổng thu ngân sách nhà nước 7.890 tỷ đồng và tổng chi ngân sách là 10.233,6 tỷ đồng. Riêng các chỉ tiêu xã hội, trong năm 2018 tốc độ tăng dân số đạt 0,68%, đồng thời phải gải quyết việc làm cho 20.000 lao động, đảm bảo giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 3%, đặc biệt là giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 3,69% và số hộ dân tham gia bảo hiểm y tế phải đạt 81,3%.

vlcsnap-2017-12-14-15h11m16s989

Chủ trì hội nghị. Ảnh: Khánh Hồng

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu này, UBND tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể cho từng vùng, trong đó các huyện phía Tây của tỉnh phát triển vùng trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao có quy mô lớn như: sầu riêng, khóm, xoài cát hòa lộc. Tiếp tục phát triển vùng nuôi các da trơn ven sông Tiền, đồng thời sẽ đầu tư hệ thống bảo vệ các vườn cây ăn trái đảm bảo để nhân dân yên tâm sản xuất…

Đối với vùng trung tâm, triển khai phát triển nông nghiệp đô thị gắn với phát triển du lịch, trong đó tập trung phát triển cây rau màu và thanh long, phát triển đàn chim cút, gà ác theo hướng an toàn sinh học, đặc biệt hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng chuyên canh, tạo chuỗi giá trị sản phẩm cây ăn trái, chăn nuôi, rau an toàn,…

Đối với vùng phía Đông của tỉnh Tiền Giang, thực hiện có hiệu quả đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng, hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng và sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm siêu thâm canh và vùng nuôi nghêu, thích nghi với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững.

vlcsnap-2017-12-14-15h08m13s778

Ông Lê Văn Hưởng – chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Hồng

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Văn Hưởng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: Năm 2017 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nhưng với quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, tỉnh hình kinh tế xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế đạt khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP ước đạt 9,0%, cao hơn năm 2016 và đạt mức cao của kế hoạch đề ra là 8,5 – 9,0%. Cùng với đó, các lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng khá như: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại, thu hút khách du lịch, thu ngân sách, doanh nghiệp thành lập mới, tăng trưởng tín dụng… Các lĩnh vực văn hóa xã hội có những chuyển biến tốt; việc giải quyết khiếu kiện đông người đã có chuyển biến, quốc phòng an ninh được giữa vững. Về xây dựng nông thôn mới, Tiền Giang đạt mục tiêu đề ra, trong đó điều đáng mừng là tỉnh không có tình trạng nợ động xây dựng nông thôn mới. Tỉnh không chạy theo số lượng mà thực hiện với phương châm “chậm mà chắc”. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện phát triển kinh tế xã hội năm 2017 cũng còn gặp không ít khó khăn hạn chế.

Về định hướng chung cho năm 2018, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: cùng với cả nước, Tiền Giang quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, trong đó nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 là xây dựng chính phủ liêm chính.

Đi vào nhiệm vụ cụ thể để phát triển kinh tế xã hội năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương trước hết cần rà soát lại thực lực của mình, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công việc. Đặc biệt, trong năm 2018, các ngành các địa phương cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, xây dựng chợ nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội và các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tăng 0,6% so với năm 2016 (năm 2016 tăng 8,4% và năm 2017 tăng 9%), trong đó lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,7%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 17,4%, khu vực dịch vụ tăng 7%.

Tổng GRDP năm 2017 ước đạt 76.101 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 43,4 triệu đồng, cao hơn năm 2016 3,4 triệu đồng.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 29 tỷ đồng, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 7 tỷ đồng, Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 77% .

Đến cuối năm 2017 toàn tỉnh có từ 10 – 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong toàn tỉnh từ 34 đến 36 xã.

Mạnh Cường – Thanh Đào