- Từ ngày 28/4, cấm ô tô quay đầu xe ở đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. - Từ 1-5, sẽ mở cống Âu Nguyễn Tấn Thành khi độ mặn ở mức cho phép. - Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố trong vụ án tại TP HCM. - Hai kiểm lâm tử nạn khi chữa cháy rừng Tây Côn Lĩnh. - Phát hiện thi thể nữ giới đã \'khô\' trên ghế sofa trong căn hộ chung cư phường Tây Mỗ, Hà Nội. - TikTok thảm bại trong nỗ lực vận động hành lang ở Mỹ - TPHCM: Lần đầu tiên triển khai cổng thông tin tuyển sinh lớp 10 - Phương tiện xếp hàng dài qua cầu Rạch Miễu trong ngày đầu nghỉ lễ - Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. - Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác…

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu đến các quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương

Biến đổi khí hậu không được ngăn chặn sẽ gây nên những hậu quả tàn khốc cho các quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng của các quốc gia này trong tương lai; làm hủy hoại những thành tựu phát triển hiện tại và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Biến đổi khí hậu sẽ gây nên những hậu quả tàn khốc cho các quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương.
(Ảnh minh họa: moitruong.com.vn)

Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo với nhan đề “Một khu vực nhiều nguy cơ: Các khía cạnh về con người của biến đổi khí hậu ở Châu Á và Thái Bình Dương” được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Nghiên cứu Tác động Biến đổi khí hậu Potsdam (PIK) vừa công bố.

Báo cáo chỉ ra rằng, theo kịch bản phát triển thông thường, dự báo nhiệt độ sẽ tăng thêm tới 6 độ C trên toàn bộ vùng đất rộng lớn của khu vực châu Á vào cuối thế kỷ này. Một số nước trong khu vực có thể đối mặt với thời tiết nóng dữ dội hơn, với nhiệt độ tăng thêm ở Tajikistan (Tát-gi-ki-xtan), Afghanistan (Áp-ga-ni-xtan), Pakistan (Pa-ki-xtan) và vùng Tây bắc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) được dự báo ở mức 8 độ C.

Sự gia tăng nhiệt độ này sẽ dẫn tới những thay đổi mạnh mẽ trong hệ thời tiết của khu vực, trong các lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp, đất đai và hệ sinh thái biển, an ninh trong nước và khu vực, thương mại, phát triển đô thị, di cư và y tế. Một kịch bản như vậy thậm chí còn cho thấy mối đe dọa hiện hữu đối với một số quốc gia trong khu vực và phá hủy mọi hy vọng đạt được sự phát triển đồng đều và bền vững.

Theo Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á chuyên trách quản lý tri thức và phát triển bền vững Bambang Susantono, cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu có lẽ là thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ XXI, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương là tâm điểm. Là nơi cư ngụ của hai phần ba số người nghèo trên thế giới, và được coi là một trong những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu, các quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương đang có nguy cơ cao nhất rơi vào tình trạng nghèo khổ sâu sắc hơn và sẽ là thảm họa  nếu các nỗ lực giảm thiểu và thích nghi không được tiến hành mạnh mẽ và nhanh chóng.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động biến đổi khí hậu Potsdam – giáo sư Hans Joachim Schellnhuber cho rằng, “các quốc gia châu Á nắm giữ tương lai của Trái Đất trong tay mình. Nếu họ lựa chọn bảo vệ bản thân trước tình trạng biến đổi khí hậu nguy hiểm, họ sẽ cứu giúp toàn bộ hành tinh này”. Theo đó, lượng phát thải khí nhà kính của châu Á phải được giảm bớt; đồng thời các quốc gia Châu Á phải tìm ra những chiến lược để bảo đảm thịnh vượng và an ninh trong bối cảnh biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi trong khuôn khổ phát triển toàn cầu lành mạnh.

Theo báo cáo, dự kiến châu Á và Thái Bình Dương sẽ hứng chịu các đợt cuồng phong và bão nhiệt đới với cường độ mạnh hơn khi nhiệt độ trung bình toàn cầu gia tăng. Các vùng đất trũng và ven biển trong khu vực sẽ đối mặt với nguy cơ lũ lụt nhiều hơn. Sự gia tăng mức độ dễ bị tổn thương do lũ lụt và các thảm họa khác sẽ có tác động đáng kể tới khu vực và thế giới trên khía cạnh kinh tế. Tổn thất do lũ lụt trên toàn cầu dự kiến tăng từ mức 6 tỷ USD trong năm 2005 lên tới 52 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050.

Biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến sản xuất lương thực trong khu vực gặp nhiều khó khăn hơn và chi phí sản xuất tăng lên. Ở một số quốc gia Đông Nam Á, sản lượng lúa có thể giảm tới 50% vào năm 2100 nếu không có những nỗ lực để thích nghi biến đổi khí hậu. Tình trạng thiếu lương thực có thể làm tăng số trẻ suy dinh dưỡng tại Đông Á lên thêm 7 triệu trẻ, do các chi phí nhập khẩu ở tiểu vùng này nhiều khả năng tăng từ mức 2 tỷ USD lên tới 15 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050.

Các hệ sinh thái biển, nhất là ở Tây Thái Bình Dương sẽ bị đe dọa nghiêm trọng vào năm 2100. Tất cả các hệ thống rạn san hô trong tiểu vùng sẽ bị phá hủy do tình trạng tẩy trắng san hô hàng loạt nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 4 độ C (theo kịch bản phát triển thông thường toàn cầu). Ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C, dự kiến 89% số rạn san hô sẽ đối mặt với tình trạng mất màu nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động đánh bắt cá và du lịch liên quan tới rạn san hô ở Đông Nam Á.

Biến đổi khí hậu cũng mang đến nguy cơ to lớn đối với sức khỏe con người tại châu Á và Thái Bình Dương. Hiện tại, đã có 3,3 triệu người chết mỗi năm do những tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí ngoài trời, trong đó Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh là bốn nước có tỷ lệ tử vong cao nhất do nguyên nhân này. Ngoài ra, số tử vong liên quan tới nhiệt độ cao trong khu vực trong nhóm người cao tuổi được dự kiến tăng lên tới 52.000 ca trong năm 2050 do biến đổi khí hậu, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới. Số người tử vong do các bệnh gây ra bởi trung gian truyền bệnh như: sốt rét và sốt xuất huyết cũng có thể gia tăng.

Biến đổi khí hậu theo kịch bản phát triển thông thường cũng có thể gây gián đoạn các dịch vụ hệ sinh thái chức năng, dẫn tới tình trạng di cư ồ ạt, chủ yếu tới các đô thị khiến cho các thành phố trở nên đông đúc hơn và các dịch vụ xã hội sẵn có trở nên quá tải.

Hơn nữa, khí hậu ấm hơn trong khu vực có thể đe dọa tới nguồn cung năng lượng. Biến đổi khí hậu có thể làm tăng nguy cơ mất an ninh năng lượng thông qua việc tiếp tục dựa vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch không bền vững, giảm công suất của các nhà máy điện địa nhiệt do khan hiếm nước làm mát, và hoạt động không liên tục của các nhà máy thủy điện do lưu lượng nước không ổn định, bên cạnh nhiều yếu tố khác. Tình trạng mất an ninh năng lượng có thể dẫn tới xung đột khi các quốc gia cạnh tranh để giành lấy nguồn cung năng lượng có hạn.

Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, báo cáo nêu bật tầm quan trọng của việc thực thi những cam kết nêu trong Hiệp định Paris. Các cam kết này bao gồm đầu tư của nhà nước và tư nhân tập trung vào phi các-bon hóa nền kinh tế châu Á, cũng như triển khai các biện pháp thích nghi biến đổi khí hậu để bảo vệ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất của khu vực. Các nỗ lực giảm thiểu và thích nghi biến đổi khí hậu cũng phải được lồng ghép vào các chiến lược phát triển khu vực ở cấp vĩ mô và lập kế hoạch dự án ở cấp độ vi mô trong mọi lĩnh vực, bên cạnh những nỗ lực đổi mới công nghệ và sử dụng năng lượng tái tạo đang diễn ra trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và giao thông. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có cả năng lực và tầm ảnh hưởng để dịch chuyển sang những đường hướng phát triển bền vững, cắt giảm phát thải toàn cầu và thúc đẩy sự thích nghi.

Được biết, Ngân hàng Phát triển châu Á đã phê duyệt mức cao kỷ lục là 3,7 tỷ USD cho tài chính khí hậu vào năm 2016, và cam kết gia tăng các khoản đầu tư của mình lên mức 6 tỷ USD vào năm 2020./.

ĐCSVN

0 Bình luận

Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.

Gửi bình luận

 


 
*