Căng thẳng triển khai THAAD, Mỹ vẫn kêu gọi “hợp lực” phản đối Triều Tiên

Hàn Quốc cho biết, Washington đã xác nhận lại chi phí triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đối với Seoul đồng thời kêu gọi hợp lực toàn cầu đối mặt với vấn đề Triều Tiên.

Chi phí triển khai THAAD

Trong cuộc điện đàm vào 30/4, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump H.R. McMaster đã khẳng định với đại diện của Hàn Quốc ông Kim Kwan-jin rằng, việc hợp tác giữa Mỹ và Hàn Quốc là ưu tiên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết.

Căng thẳng triển khai THAAD, Mỹ vẫn kêu gọi “hợp lực” phản đối Triều Tiên - ảnh 1Tăng cường nhóm tàu sân bay  USS Carl Vinson tại khu vực bán đảo Triều Tiên. Ảnh:Reuters

Xung quanh cuộc điện đàm, hai bên cũng có các thảo luận về vụ phóng thử tên lửa thất bại của Triều Tiên vào 29/4.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã liên tục chịu sự lên án mạnh từ quốc tế. Ông Trump đã cảnh báo mạnh mẽ sau vụ việc của Bình Nhưỡng và nhấn mạnh rằng: “Triều Tiên sẽ phải hứng chịu sau vụ việc này”.

Các bình luận của ông Trump trong cuộc phỏng vấn trên Reuters nhấn mạnh mong muốn Seoul sẽ trả chi phí triển khai THAAD và nâng cao hoài nghi về quan hệ đồng minh của hai nước.

Các quan chức Hàn Quốc đã cho rằng, Washington phải chịu các chi phí cho việc triển khai THAAD thông qua hiệp định song phương của hai nước.

“Cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster đã giải thích rằng, các ý kiến từ Tổng thống Donald Trump là xuất phát từ bối cảnh chung và mong muốn các đồng minh có các chia sẻ gánh nặng cho phí cho quốc phòng”,  đại diện từ phía Nhà Xanh Hàn Quốc cho biết.

Trong tuần này, hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đã di chuyển đến khu vực Seonjgu của Hàn Quốc. Việc triển khai THAAD liên tục nhận nhiều phản đối từ Trung Quốc khi Bắc Kinh cho rằng, điều này có thể làm suy yếu an ninh khu vực và sẽ dẫn đến căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin Triều Tiên ngày 30/4 đã lên tiếng đe dọa đánh chìm chiếc tàu ngầm hạt nhân USS Michigan của Mỹ và cáo buộc Washington đang tăng cường các động thái đe dọa quân sự.

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Mỹ triển khai chiếc tàu trên và một chiếc tàu sân bay tới các vùng biển của Hàn Quốc trong bối cảnh tình trạng căng thẳng liên Triều đang gia tăng.

Hàn Quốc và Mỹ cho rằng, mục tiêu triển khai THAAD nhằm phòng ngự các chương trình tên lửa của Triều Tiên. Mỹ liên tục mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung Quốc – đồng minh thân cận của Triều Tiên nhằm kiểm soát việc phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong cuộc phỏng vấn trên Reuters, ông Trump đã dành các lời có cánh cho Chủ tịch Tập Cận Bình khi nhấn mạnh ông Tập là một lãnh đạo giỏi.

Kêu gọi chung tay giải quyết vấn đề Triều Tiên

Triều Tiên đã liên tục triển khai các chương trình tên lửa-hạt nhân và tin tưởng có thể nhanh chóng thành công trong việc phát triển các loại tên lửa tối tân mới nhất.

Căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang trong nhiều tuần. Trong cuộc phỏng vấn trên CBS vào 29/4, ông Trump đã nhấn mạnh rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu Triều Tiên vẫn duy trì các chương trình hạt nhân.

Ông Trump cũng đã thảo luận các thách thức tại khu vực bán đảo Triều Tiên trong cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Nhà Trắng cho biết.

Trong cuộc hội nghị thượng đỉnh tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào 29/4, ông Duterte đã nhấn mạnh đến “yếu tố kiên nhẫn” mà Mỹ cần phải kiểm soát tốt sau vụ thử tên lửa 29/4 và nên tránh việc “nhúng tay” quá sâu vào vụ việc này.

Ông Duterte nói rằng các nước Đông Nam Á vô cùng lo ngại về tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông cảnh báo một bước đi sai lầm có thể sẽ dẫn tới thảm họa và biến châu Á thành nạn nhân của chiến tranh hạt nhân. Vị tổng thống Philippines nói rằng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang “tranh đấu với một người đàn ông mà luôn phấn khích với viễn cảnh phóng tên lửa”.

“Ông Kim Jong-un đơn giản chỉ muốn kết liễu thế giới. Đó là lý do khiến ông ấy hạnh phúc. Ông ấy luôn mỉm cười nhưng ông ấy thực sự lại đang muốn kết liễu mọi thứ và khiến tất cả chúng ta tuyệt vọng” – ông Duterte phát biểu ngày 29-4.

Mỹ và Hàn Quốc đã liên tục triển khai các cuộc tập trận quân sự trong hai tháng nay, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết. Thêm vào đó, Mỹ còn huy động nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson vào gần khu vực bán đảo Triều Tiên và tham gia diễn tập quân sự cùng với Hàn Quốc vào 29/4 sau vụ thử tên lửa thất bại của Triều Tiên. Phía Hàn Quốc đã từ chối bình luận thời gian kết thúc diễn tập.

“Việc phô diễn sức mạnh quân sự thông qua nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson được xem là hành động khiêu khích chiến tranh. Nếu có thể, một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường”, tờ Rodong Sinmun dẫn tin.

Cuộc diễn tập nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson cũng có sự tham gia từ hải quân Nhật Bản. Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cũng nhấn mạnh việc hợp tác bền vững giữa Tokyo và Washington nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và tránh các hiểm hoạ từ Bình Nhưỡng.

Báo Tổ Quốc