Đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống xâm nhập mặn cuối mùa khô


Công trình xây dựng cống số 7 tại xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy, Hậu Giang) được gấp rút hoàn thành để ứng phó hạn hán, xâm nhậm mặn.

Ảnh: ĐỨC VĂN

|  
Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện muộn hơn và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, các địa phương không thể lơ là mà cần có những giải pháp ngăn mặn giữ ngọt, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước nhằm đối phó tình trạng xâm nhập mặn có thể xảy ra từ nay đến cuối tháng 5.

Viện Khoa học Thủy lợi miền nam cho biết, qua theo dõi độ mặn tại vùng cửa sông Cửu Long cho thấy từ đầu mùa khô đến giữa tháng 3, ở một số trạm độ mặn đã xuất hiện khá cao như tại Vàm Kênh trên sông Cửa Tiểu độ mặn lớn nhất đo được là 23,5 g/l, chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2016 là 0,1 g/l; tại Bình Đại trên sông Cửa Đại độ mặn đo được là 25,6 g/l, thấp hơn 1,4 g/l so với cùng kỳ năm ngoái; tại Lộc Thuận trên sông Cửa Đại là 14,2 g/l, thấp hơn cùng kỳ 2,6 g/l; tại An Thuận trên sông Hàm Luông là 29,0 g/l, thấp hơn cùng kỳ 2,5 g/l; tại Bến Trại trên sông Cổ Chiên là 25,2 g/l, thấp hơn cùng kỳ 4,1 g/l. Khu vực vùng ven biển Tây tại Xẻo Rô trên sông Cái Lớn độ mặn lớn nhất từ đầu mùa khô đến giữa tháng 3 đạt 15,4 g/l; tại Cầu Cái Tư trên sông Cái Lớn độ mặn đạt 4,7 g/l.

Ngoài ra, phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn có giảm nhưng một số nơi vẫn cao như khu vực sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng khoảng 40 đến 45 km; khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền, ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng khoảng 25 đến 50 km; trên sông Cửa Tiểu, ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng khoảng 25 km; sông Cửa Đại, ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng khoảng 35 km; sông Hàm Luông, ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng khoảng 40 km; sông Cổ Chiên, ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng khoảng 50 km. Khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu, phạm vi xâm nhập mặn 4 g/l khoảng 35 km.

Cũng theo dự báo, xâm nhập mặn sâu nhất với độ mặn cao nhất vùng sẽ xuất hiện trên sông Ông Đốc, trong đó độ mặn 25 đến 28 g/l xuất hiện trong tháng 4 và tháng 5, trên khu vực cách cửa biển hơn 50 km. Trên các sông khác trong khu vực, độ mặn cao nhất là dưới 27 g/l với khoảng cách dưới 10 km cách từ cửa biển. Trong khu vực, nhiều vùng không có khả năng xuất hiện nước ngọt trong suốt mùa khô.

Để đề phòng diễn biến biến khí tượng – thủy văn khác thường, bảo đảm nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động lấy nước trong điều kiện cho phép; đóng cống ngăn mặn trữ nước ngọt kịp thời; giám sát mặn thường xuyên, vận hành hợp lý các công trình vừa bảo đảm tiêu, thoát, ngăn mặn và đưa nước ngọt về, đặc biệt như các vùng bán đảo Cà Mau và các hệ thống ngọt hóa ven biển; định kỳ lấy nước rửa mặn và nguồn nước ô nhiễm trên kênh rạch; các địa phương phối hợp trong quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi phục vụ chống hạn và xâm nhập mặn. Quy hoạch vùng nuôi thủy sản nước mặn hợp lý, ổn định, để có ranh giới mặn ngọt rõ ràng, có các công trình, phương án điều tiết nước hợp lý cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Nguồn Nhân dân