- Từ ngày 28/4, cấm ô tô quay đầu xe ở đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. - Từ 1-5, sẽ mở cống Âu Nguyễn Tấn Thành khi độ mặn ở mức cho phép. - Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố trong vụ án tại TP HCM. - Hai kiểm lâm tử nạn khi chữa cháy rừng Tây Côn Lĩnh. - Phát hiện thi thể nữ giới đã \'khô\' trên ghế sofa trong căn hộ chung cư phường Tây Mỗ, Hà Nội. - TikTok thảm bại trong nỗ lực vận động hành lang ở Mỹ - TPHCM: Lần đầu tiên triển khai cổng thông tin tuyển sinh lớp 10 - Phương tiện xếp hàng dài qua cầu Rạch Miễu trong ngày đầu nghỉ lễ - Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. - Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác…

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch

Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP. Hà Nội) phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)


Thời kỳ quy hoạch phải dài hơn

Thảo luận về dự án luật, nội dung được nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến là về thời kỳ quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch.

Dự thảo quy định thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm. Các quy hoạch kết cấu hạ tầng phải có tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm.

Mối quan hệ giữa các loại quy hoạch được quy định theo hướng: Quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới; quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước. Quy hoạch cấp dưới phải phù hợp quy hoạch cấp trên. Trong trường hợp quy hoạch cấp dưới được lập trước quy hoạch cấp trên thì quy hoạch cấp trên phải kế thừa những nội dung phù hợp của quy hoạch cấp dưới. Sau khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt, quy hoạch cấp dưới phải được rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp trên.

Phát biểu ý kiến về những nội dung này, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, thời kỳ quy hoạch cần dài hơn so với dự thảo, quy hoạch tối thiểu chung cho các loại quy hoạch là 20 năm, tầm nhìn 30 năm, quy hoạch ngành, vùng phải có tầm nhìn từ 50 năm; quy hoạch quốc gia phải có tầm nhìn từ 50-70 năm. Quy hoạch dài như vậy mới đảm bảo tính ổn định cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong điều hành nền kinh tế, trong đầu tư phát triển mà không bị động, không sợ thay đổi. Quy định dài như vậy cũng sẽ tạo áp lực cho các cơ quan lập quy hoạch phải có những dự báo, đánh giá dài hạn, đòi hỏi phải có sự đầu tư công phu trong công tác lập quy hoạch, tránh tình trạng dò dẫm, cóp nhặt, chắp vá. Mặt khác, đại biểu phân tích, thực tế cũng cho thấy việc triển khai quy hoạch ở nước ta rất chậm, có những quy hoạch trong một thời kỳ nhưng đến khi phê duyệt xong đã đi được 1/3 thời kỳ, phê duyệt xong thì không còn phù hợp, phải điều chỉnh, khi điều chỉnh thì các dự án lại phải chờ đợi, đó là lý do vì sao nhiều quy hoạch treo không được thực hiện, nhiều công trình triển khai dở dang phải tạm dừng hay nhiều dự án nếu cứ triển khai thì không theo quy hoạch lại bị xử lý gây lãng phí lớn cho xã hội.

Về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, tán thành với dự thảo luật, song đại biểu nhấn mạnh cần phải đảm bảo nguyên tắc quy hoạch cấp trên phải có trước cấp dưới. Đặc biệt quy hoạch tổng thể quốc gia phải có các quy định gốc, phải được ưu tiên làm trước, phải mạnh dạn quy định dứt khoát khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia thì chưa được lập quy hoạch ngành, vùng, địa phương. Ngược lại muốn điều chỉnh quy hoạch ngành, vùng, địa phương thì phải điểu chỉnh quy hoạch quốc gia trước. Đại biểu nhấn mạnh “điều này vừa đảm bảo tính nghiêm minh vừa nhằm tránh tình trạng quy hoạch quốc gia chạy theo quy hoạch ngành, vùng, địa phương”.

Cũng quan tâm tới mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng dự luật quy định “Trường hợp quy hoạch cấp dưới được lập trước quy hoạch cấp trên thì quy hoạch cấp trên phải kế thừa những nội dung phù hợp của quy hoạch cấp dưới. Sau khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt, quy hoạch cấp dưới phải được rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp trên” là lòng vòng, mâu thuẫn.

Ở khía cạnh khác, đại biểu cũng đề nghị bổ sung một nội dung đặc biệt quan trọng mà dự thảo chưa tính đến là chế định kết nối giữa hệ thống dữ liệu quốc gia và hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia. “Nếu thực hiện điều này, các dữ liệu thông tin báo cáo của tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và các số liệu thống kê liên ngành ở từng lĩnh vực tại địa phương sau khi chuyển về hệ thống dữ liệu thống kê quốc gia sẽ được đồng bộ với hệ thống dữ liệu khung quốc gia, có như vậy mới đáp ứng cho việc so sánh, phân tích, đánh giá, nhận định, dự báo phát triển, cung cấp thông tin đầu mối cho mọi đối tượng một cách công khai nhanh chóng” – đại biểu phát biểu.

Cần bổ sung chương quản lý nhà nước về quy hoạch

Về nội dung quản lý nhà nước về quy hoạch, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị cần bổ sung nội dung hết sức quan trọng là nhà nước ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn chung để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong các quy hoạch. “Ở các nước, quy hoạch hệ thống đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông rất đồng bộ, trong khi ở nước ta mỗi địa phương quy hoạch một kiểu, bộ mặt đô thị mỗi nơi một vẻ, nhìn chung là chắp vá, không có bản sắc riêng” – đại biểu phát biểu. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn để áp dụng thống nhất cho hoạt động quy hoạch trên phạm vi cả nước.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị bổ sung nội dung quản lý nhà nước về quy hoạch. Đại biểu lí giải, quy hoạch là công cụ để các cấp chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị, cụ thể hóa mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và các định hướng phát triển ngành, lãnh thổ, là cơ sở để xây dựng chính sách vai trò, quản lý nhà nước trong phạm vi điều chỉnh cần thiết.

Đồng tình với đề xuất này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nói thêm, cần có chương quy định quản lý nhà nước về quy hoạch bởi quy hoạch là công cụ quan trọng để giúp các cơ quan chức năng quản lý nhà nước nhưng các quy định còn tản mạn, chưa đủ, chưa rõ ràng nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong vấn đề quy hoạch.

Đồng tình với nhiều ý kiến, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) cho rằng, việc ban hành Luật Quy hoạch là rất cần thiết và không thể chậm trễ. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế được những quy định khắc phục được tình trạng quy hoạch cho có, có quy hoạch nhưng không dùng được, làm trái quy hoạch, hoặc điều chỉnh quy hoạch tràn lan vì lợi ích nhóm, bệnh tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch… Đồng thời các quy định liên quan đến lập quy hoạch, nhất là căn cứ quy hoạch, nội dung quy hoạch phải thể hiện rõ ràng quy hoạch không chỉ dừng lại ở sử dụng đất đai, tài nguyên mà tính toán và sử dụng hiệu quả nhân lực, tài sản khác, các yếu tố văn hóa, đặc điểm dân cư phải được phân tích kỹ khi lập quy hoạch. Ban soạn thảo cần khẳng định và thể hiện rõ hơn phương hướng đổi mới, sắp xếp lại quy hoạch theo hướng tích hợp, liên ngành…

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương “cần vì Việt Nam phát triển, vì con cháu hãy dành nhiều hơn những khu đất đẹp, những con đường đẹp, hàng cây nhiều bóng mát cho cộng đồng, trường học, công viên, chứ không chỉ dành cho nhà hàng, trung tâm thương mại hay những chung cư chật kín người”./.

Theo ĐCSVN

0 Bình luận

Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.

Gửi bình luận

 


 
*