Thủy điện Lai Châu sản xuất hơn 294 triệu kW giờ điện an toàn

Những ngày đầu Xuân Bính Thân, Nhà máy Thủy điện Lai Châu vẫn sản xuất ổn định, liên tục. Từ khi phát điện tổ máy 1 ngày 14-12-2015 (sớm hơn ba tháng so tiến độ) đến sáng 10-2 (mồng 3 Tết), nhà máy đã sản xuất hơn 294 triệu kW giờ điện an toàn.

1

Màn trống khai hội xuống đồng năm 2016 tại xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên.     |  

 

Thời điểm này, tranh thủ nguồn nước về hồ thủy điện thuận lợi, theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN (chủ đầu tư), nhà máy đã nỗ lực huy động công suất tổ máy 1 ở mức cao nhất, đóng góp sản lượng quan trọng cho hệ thống điện quốc gia trong lúc các hồ thủy điện miền trung và Nam Bộ thiếu hụt nguồn nước so mọi năm vì hiện tượng En Ni-nô.

Hiện nhà máy vừa sản xuất, vừa khẩn trương lắp đặt thiết bị tổ máy 2 và 3; phấn đấu phát điện tổ máy 2 cuối tháng 6 và tổ máy 3 tháng 11, khánh thành công trình tháng 12-2016, vượt tiến độ một năm. Tính đến nay, tổng tiến độ thi công toàn công trình đạt hơn 70%, trong đó phần xây dựng (bê-tông) hoàn thành 100%. Nhà máy Thủy điện Lai Châu có ba tổ máy với tổng công suất 1.200MW, có tổng mức đầu tư hơn 35.700 tỷ đồng, là bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của Thủy điện Sơn La (2.400MW), được xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Khi hoàn thành và đi vào vận hành cả ba tổ máy, nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 25 tỷ kW giờ điện/năm.

* Ban điều hành Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thuộc Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) cho biết, các đơn vị đều bố trí lực lượng trực xuyên Tết tại các hạng mục quan trọng. Ngày 4-2 vừa qua, Lilama đã lắp đặt thành công máy phát tổ máy 1, nặng 304 tấn lên độ cao 18m. Tính đến thời điểm này, tổng khối lượng lắp đặt thiết bị đạt gần 26,6 nghìn tấn (35,7%).

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng công suất 1.200MW do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí làm tổng thầu, Lilama là nhà thầu lắp đặt thiết bị. Đến nay, Lilama đã lắp đặt thành công nhiều hạng mục chính, như: Bao hơi số 1, bao hơi số 2, máy phát tổ máy 1… và đang tập trung thi công lắp đặt lò hơi và thiết bị áp lực, đạt tiến độ của dự án.

* Những ngày Tết Bính Thân, cán bộ, kỹ sư và công nhân Công ty Điện lực Ba Đình (Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội) vẫn huy động lực lượng trực và vật tư dự phòng ở mức cao nhất nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho quận Ba Đình-trung tâm chính trị, hành chính của Thủ đô. Trên địa bàn của công ty phụ trách cấp điện có hàng loạt phụ tải đặc biệt quan trọng, như: Lăng Bác, các Trụ sở Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Phủ Chủ tịch; các bộ, ban, ngành T.Ư, các đại sứ quán, tổ chức ngoại giao…

Ngay từ trước Tết Nguyên đán, công ty đã hoàn tất các công trình tăng cường bảo đảm điện; huy động toàn bộ quân số để rà soát, tổng kiểm tra các trạm biến áp, đường dây; nhanh chóng khắc phục các sự cố, khiếm khuyết; đề ra các phương án bảo đảm điện cho các phụ tải quan trọng. Với những phụ tải đặc biệt quan trọng trong dịp Tết này, công ty có phương án cấp điện tuyệt đối an toàn, như: Bố trí cấp điện bằng hai hoặc nhiều đường dây khác nhau, bố trí máy phát điện dự phòng, bộ UPS,… cũng như thường xuyên kiểm tra, sẵn sàng xử lý các sự cố trong những ngày Tết.

* Sáng 10-2 ( tức mồng 3 Tết), tại cửa biển Sa Huỳnh- một cửa biển lớn nằm ở phía nam, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu Xuân. Đây là lễ hội truyền thống của ngư dân trong vùng cầu mong năm mới ngư dân ra khơi biển yên sóng lặng, được mùa.

Hiện toàn huyện Đức Phổ có 1.424 tàu, thuyền với tổng công suất 325.740 CV. Năm qua, cùng với việc đầu tư đóng mới 115 tàu, tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp tục tiến hành nạo vét luồng cửa biển Sa Huỳnh cho nên tàu của ngư dân ra vào cửa biển dễ dàng, thuận lợi hơn, báo hiệu những mùa đánh bắt hải sản bội thu.

Báo Nhân Dân