Bóng đá Việt và nỗi ám ảnh Thái Lan

Trong lúc tuyển Việt Nam nhọc nhằn đánh bại Đài Loan (Trung Quốc), cả Đông Nam Á vẫn hướng về Bangkok, nơi Thái Lan quật cường lội ngược dòng trước Iraq để dẫn đầu bảng đấu. Sự thật, bóng đá xứ Chùa Vàng đã và đang xứng đáng là lá cờ đầu Đông Nam Á. Còn Việt Nam?

 

 Việt Nam (áo đỏ) luôn gặp khó trước Thái Lan.
(Ảnh: thethaovanhoa.vn)

Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ ngày bóng đá Việt tham gia vòng loại World Cup, mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở cụm từ “cọ xát, học hỏi”. Chưa cần viển vông tới những nấc thang cao vời vợi như Nhật Bản hay Hàn Quốc, chỉ cần nhìn về Thái Lan, tất cả người hâm mộ Việt Nam đều phải chấp nhận một sự thật: Thua toàn diện! Thua từ U19 đến U23. Thua từ đội tuyển quốc gia tới Oympic. Nghĩa là mọi đấu trường, từ SEA Games tới AFF Cup, Việt Nam bao giờ cũng nghĩ tới Thái Lan như một sự ám ảnh.

Kể từ gần 2 thập kỷ trước khi thế hệ vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức đánh bại Thái Lan trên sân Hàng Đẫy tại Tiger Cup 1998, Việt Nam đã thắng Thái Lan bao nhiêu lần? Câu trả lời có thể khiến nhiều người giật mình: Chỉ 1 lần duy nhất trong hệ thống được chấp nhận của FIFA. Và đó cũng chính là lần tạo đà làm nên chiếc Cúp lịch sử tại AFF Cup năm 2008. Còn lại chúng ta chỉ có được vẻn vẹn 4 trận hòa và 14 trận thua. Đáng nói hơn, phần lớn các thất bại của bóng đá Việt đều ở các trận chung kết. Dù sân nhà, sân khách hay sân trung lập, cứ gặp Thái Lan là các cầu thủ lại “cóng”. Hoặc nếu có chơi tốt đến mấy đi chăng nữa, chúng ta cũng vấp phải một thứ bóng đá vượt trội ở đẳng cấp và tính hiệu quả. Đến lúc này, có thể khẳng định rõ ràng về sự hơn hẳn có tính toàn diện ở trình độ giữa 2 nền bóng đá. Từ đào tạo bóng đá trẻ tới các đội tuyển, từ tư duy phát triển để hướng ra biển lớn tới những chiến lược thống trị tại “vùng trũng”. Vậy thì điều gì đã diễn ra trong suốt từng ấy năm?

Việt Nam không thiếu nhân tài, thậm chí là những tài năng được đánh giá vượt qua trình độ Đông Nam Á. Còn Thái Lan thì khác hẳn. Dù mỗi một năm, họ đều trình làng những cái tên mới, nhưng không mấy ai đứng trên cả tập thể như trường hợp cá biệt của Kiatisuk Senamuang. Các cầu thủ Thái có thể chơi ở mặt bằng trung bình, đá tròn vai, nhưng lại cực kỳ hiệu quả ở mặt vị trí. Nhìn cách U19 Thái Lan hạ gục Việt Nam trong trận chung kết mới đây, có thể thấy cách mà họ xây dựng đội bóng đáng để học tập. Đó chính là sự hoàn hảo và thống nhất rất cao về chiến thuật. Người Việt có thể tự hào về sự khéo léo. Nhưng kỹ thuật cá nhân luôn khác với kỹ thuật cơ bản để tạo ra nghệ thuật chiến thắng với 11 người. Đó là điều bóng đá Việt luôn thiếu, và luôn thua so với người Thái. Một vài cá nhân xuất sắc là tốt, nhưng một tập thể tốt dựa trên sự đoàn kết và cách chơi khôn ngoan còn tốt hơn nhiều.

Thứ 2, tinh thần thi đấu. Nhiều người vẫn nhầm tưởng sức mạnh vô hình ấy là yếu tố tiên quyết cho một lối chơi có lửa. Tuy nhiên, nếu các đội bóng Việt Nam luôn đá máu lửa và thể hiện sự bay bổng của các cá nhân, thì trái lại, Thái Lan luôn lạnh lùng đúng lúc. Rất nhiều thời điểm Việt Nam đã bị các chân sút Thái Lan trừng phạt khi tưởng như đang chiếm ưu thế. Và cũng không ít trận đấu, kỹ năng và kỷ luật của đối thủ bỗng chốc trở thành một ngọn núi, nếu so với quyết tâm hay nỗ lực tột cùng.

Và sau cùng, nếu đào tạo bóng đá trẻ là hướng đi đúng đắn nhất để tạo ra nguồn lực của bóng đá hiện đại, thì Việt Nam đã làm gì sai? Về truyền thống, chúng ta có không ít lò luyện chất lượng, trải dài cả ở Bắc, Trung, Nam. Về đương đại, chúng ta có Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, lò PVF, Học viện Viettel… Mỗi năm, các Trung tâm bóng đá trẻ đều cho ra lò không ít sản phẩm tốt, bổ sung cho các CLB tại khắp các hệ thống thi đấu thuộc VFF. Nhưng khác với Thái Lan, nơi các hạt giống được thử lửa ở những cấp độ cao dần và có tính thống nhất, chúng ta đang làm cho các lứa trẻ hoang mang về định hướng.

Hãy lấy ví dụ ở cấp cao nhất, như HAGL, nơi đã sản sinh ra lứa Công Phượng đáng chờ đợi. Tại đây, thậm chí đội bóng phố núi còn sẵn sàng đưa ra tới 2 lứa U19 được tập luyện song song và chơi bóng ở các giải đấu khác nhau. Lứa cầu thủ “xịn” thuộc lò đào tạo Arsenal JMG được tuyển thẳng vào U19 Quốc gia cách đây 2 năm, và giờ thì bị đá cho tơi tả tại V-League. HAGL có lý và có quyền điều quân để đảm bảo các mục đích khác nhau của họ. Nhưng rất nhiều chuyên gia đã đúng khi cho rằng vai trò của VFF là khá nhạt ở lĩnh vực này. Không hề có sự đầu tư rõ rệt nào cho một đội bóng kiểu “U”. Chúng ta đang có những đội bóng thiếu cạnh tranh, thiếu tính thống nhất, và thiếu cả môi trường phát triển thực sự cho một chặng đường dài hơi.

Từ chỗ hy vọng bám đuổi người Thái, bóng đá Việt Nam đã thực sự tụt hậu về cả chất lẫn lượng. Nếu không có gì đột biến, cứ với cách làm cũ, nỗi ám ảnh mang tên Thái Lan chắc chắn sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa./.

Nguồn ĐCSVN