Ngày khai giảng và câu chuyện đổi mới giáo dục

Đề nghị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tổ chức một ngày khai giảng chung, đầy đủ ý nghĩa dành cho học sinh không chỉ khơi gợi nhiều câu chuyện về bệnh hình thức của người lớn mà đã nói lên được mong muốn của các em học sinh và phụ huynh vốn ít khi được bày tỏ trước nay.

Hy vọng ngày khai giảng không vướng bệnh hình thức. Ảnh: Mai Hải

Dưới góc độ quản lý, người dân cũng chờ xem Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu và triển khai như thế nào về đề nghị trên trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà.

Khai giảng là ngày bắt đầu một năm học mới, vì vậy nó không chỉ dừng lại ở ý nghĩa của một buổi lễ mà sẽ ghi đậm dấu ấn trong nhận thức của các em học sinh trong quá trình học tập và tiếp thu kiến thức. Xét theo nghĩa này, đã từ lâu rồi học sinh không có được một ngày khai giảng đúng nghĩa bởi các em đã bắt đầu vào chương trình học nhiều tuần trước đó. Có những trường trung học phổ thông, lớp 12 đã phải vào học từ đầu tháng 8. Đến ngày khai giảng, các em đã “hườm hườm” được nửa chương trình học kỳ I.

Ngay cả các em bậc tiểu học, ngày nhập học chính thức trước khai giảng gần 3 tuần, trong khi trước đó mấy ngày các em đã phải vào xếp lớp. Văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT cũng cho phép năm nay các trường bắt đầu dạy từ 17-8. Chính thực tế này mà phần lớn học sinh chẳng còn cảm nhận được ý nghĩa của ngày khai trường nữa. Từ một ngày có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc đời học sinh giờ chỉ còn lại trong nhận thức của các em là một buổi lễ đầy tính hình thức. Hình thức đến trong cả cách tổ chức bởi đâu phải tất cả học sinh đều được dự buổi lễ này. Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó chính là do sân trường chật hẹp không đủ chỗ nên dự khai giảng giờ đây cũng chỉ là đại diện học sinh. Đã là đại diện thì phải chọn lựa, mỗi lớp được vài em, nên sẽ có những em suốt cuộc đời học sinh của mình chẳng mấy lần được chọn đi dự lễ khai giảng.

Nhưng câu chuyện ngày khai giảng không chỉ dừng lại ở bệnh hình thức. Chương trình nặng nề, quá tải là cách mà các trường lý giải để bắt học sinh phải học trước ngày khai giảng. Ở các lớp cuối cấp, đến nửa đầu học kỳ II là chương trình chính khóa gần như đã xong, phần thời gian còn lại dành cho ôn luyện thi. Đó là chưa nói đến chuyện học thêm “ngoài luồng” gần như ngốn hết phần thời gian còn lại của các em. Học như vậy nhưng thi cử với các em hiện nay vẫn là một gánh nặng, đầy áp lực, chứ không đơn thuần là một kỳ thi để rà lại những kiến thức mà mình đã học. Vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào cho thấy chương trình phổ thông và phương pháp giảng dạy hiện nay nặng nề đến mức nào, nhưng chỉ cần so sánh với chương trình và phương pháp của các trường quốc tế ở Việt Nam sẽ thấy khác xa. Theo các phụ huynh, học sinh học trường quốc tế gần như hoàn toàn chỉ học trên lớp; chương trình thì nhẹ nhàng, khuyến khích sáng tạo, lồng ghép đầy đủ các kỹ năng, từ đạo đức cho đến sức khỏe, nghệ thuật. Về nhà, các em thoải mái vui chơi, phụ huynh yên tâm, không mất thêm thời gian kềm cặp. Các trường này cũng chẳng cần cắt xén thời gian khác của học sinh trong khi chất lượng đào tạo thì luôn ở mức cao.

Câu chuyện về một ngày khai giảng chung của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, như vậy, không chỉ dừng lại ở hình thức của một ngày khai trường mà còn đặt ra cho Bộ GD-ĐT cần xem xét đến bản chất của vấn đề, đó là chất lượng đổi mới. Dự thảo về đổi mới chương trình phổ thông đã được đưa ra góp ý, dư luận đồng tình nhưng vẫn còn nhiều điều cần tiếp thu chỉnh sửa. Khi áp dụng chương trình mới này trong vài năm tới, học sinh được giảm bớt phần gánh nặng về số môn học so với hiện nay. Tuy nhiên, với cách đổi mới như dự thảo, không ai chắc chắn rằng đến lúc đó sẽ xóa được vấn đề học thêm, học trước chương trình, học trước khai giảng; phụ huynh vẫn chưa hết gánh nặng chạy trường chạy lớp cho con…

Đổi mới không thể làm ngay mọi thứ và hiệu quả không thể mang lại ngay tức thời, nhưng lộ trình đổi mới sẽ cho thấy quyết tâm và hướng đi đúng của một chủ trương. Người dân cả nước chắc chắn đang chờ đợi quyết tâm của Bộ GD-ĐT được thể hiện từ câu chuyện ngày khai giảng này.

Nguồn SGGP