Tổng kết 10 năm Cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh

Các địa phương khu vực Tây Nguyên sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên yêu cầu các địa phương có di sản Cồng chiêng triển khai để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

 

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên lưu ý cần có chính sách quản lý và đãi ngộ phù hợp với đội ngũ nghệ nhân Cồng chiêng (Ảnh minh họa: Ngọc Thành)
Văn phòng Bộ mới đây đã có Thông báo số 137/TB-VP thông báo kết luận của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên tại Hội nghị báo cáo tình hình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên. Sau khi nghe Cục Di sản văn hóa báo cáo, ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị, Thứ trưởng đánh giá, trong 10 năm qua, các địa phương đã có nhiều cố gắng nỗ lực, tổ chức nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý, đối với 05 điểm đã cam kết với UNESCO thì kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên yêu cầu các địa phương có di sản Cồng chiêng triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Trước mắt, các Sở VHTTDL các tỉnh có di sản này cần khẩn trương kiện toàn bộ máy quản lý di sản trong đó có di sản văn hóa phi vật thể (như: Phòng Di sản văn hóa hoặc Phòng Nghiệp vụ văn hóa) – là đơn vị có trách nhiệm tham mưu giúp lãnh đạo Sở thực hiện quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên. Đối với lãnh đạo Sở, phân công 01 đồng chí phụ trách khối di sản văn hóa.

Thứ trưởng cũng giao các địa phương khu vực Tây Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh, đánh giá những việc làm được, chưa làm được và xây dựng phương hướng cho 5 năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, các Sở tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách nghiệp vụ dành cho việc bảo tồn di sản Cồng Chiêng Tây Nguyên, hàng năm tổ chức liên hoan cồng chiêng. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo mở chuyên mục dạy cồng chiêng trên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh để biên tập giáo trình giảng dạy trong các trường phổ thông cho phù hợp với địa phương (Tham khảo nội dung giảng dạy cồng chiêng trong các trường phổ thông do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông biên soạn). Thành lập 01 CLB di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên với nhiệm kỳ 3 năm, kể từ năm 2015, nhiệm kỳ đầu tiên sẽ do Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đăk Lăk làm chủ nhiệm.

Ngoài ra, Thứ trưởng lưu ý cần có chính sách quản lý và đãi ngộ phù hợp với đội ngũ nghệ nhân. Cụ thể, bảo tồn thông qua đào tạo ở các trường phổ thông trường chuyên nghiệp theo hướng bảo tồn tích cực, làm hồi sinh sức sống của di sản cồng chiêng; có chế độ đào tạo cử tuyển. Bảo tồn tại cộng đồng nhằm trả lại không gian và môi trường diễn xướng vốn có của di sản.

Giao Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk tham mưu cho UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên xin chủ trương và triển khai xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, báo cáo lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hội nghị báo cáo tình hình bảo vệ và phát huy giá trị di sản Văn hóa phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 2/4 tại Đắk Lắk./.

Nguồn Tổ quốc