Hơn 16.400 tỷ đồng đầu tư các dự án tiêu biểu tại Tây Nguyên

Sáng 17-5, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng và các địa phương trong khu vực, tổ chức hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ ba. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì hội nghị.

 Các ngân hàng và doanh nghiệp ký kết hợp tác về vốn đầu tư dự án tại Tây Nguyên.
Các ngân hàng và doanh nghiệp ký kết hợp tác về vốn đầu tư dự án tại Tây Nguyên.

Tham dự hội nghị, có gần 250 đại biểu đại diện Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nam Bộ; các bộ, ngành T.Ư; các tỉnh khu vực miền trung – Tây Nguyên; đại diện nhiều doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang cho rằng, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng đa dạng, nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Từ đó, tạo được nền tảng, động lực cho phát triển bền vững của Tây Nguyên.

Hội nghị đã nhận được sự quan tâm, tham gia ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành T.Ư, địa phương trong khu vực và các tổ chức quốc tế về tiềm năng, thế mạnh, các cơ hội, thách thức và ý nghĩa kinh tế – xã hội khi đẩy mạnh đầu tư vào khu vực Tây Nguyên; kết quả, kinh nghiệm xúc tiến đầu tư và tính lan tỏa đến các địa phương trong khu vực; tình hình và định hướng thu hút đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên; chính sách tín dụng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực Tây Nguyên… Hội nghị cũng nêu rõ những tồn tại và đề ra định hướng thu hút đầu tư vào Tây Nguyên, giai đoạn 2016 – 2020.

Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái và là một trong sáu vùng kinh tế lớn của Việt Nam. Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa quan trọng. Riêng năm 2014, tăng trưởng kinh tế đạt 8,74%, thu hút đầu tư toàn xã hội đạt hơn 65,7 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,51 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 34,9 triệu đồng, bằng 81% bình quân cả nước, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm còn 10,12%, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội bảo đảm, chính sách tôn giáo, dân tộc và an sinh xã hội được quan tâm…

Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thu hút đầu tư. Đến nay, Tây Nguyên mới đóng góp khoảng 4,5% GDP của cả nước và vẫn là vùng kém phát triển so với các vùng miền khác, thu hút đầu tư nước ngoài được 148 dự án, với tổng vốn đăng ký 819 triệu USD; chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực kinh tế mạnh tham gia đầu tư vào các dự án lớn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nêu rõ, từ nay đến năm 2020, tập trung khuyến khích, ưu tiên thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực Tây Nguyên. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng, mạng lưới giao thông, bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp chế biến có điều kiện đầu tư tập trung như cà-phê, chè, cao su, điều, sữa… Đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái, văn hóa truyền thống bản địa; chú trọng đẩy mạnh hợp tác, liên kết thu hút đầu tư và phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ; tăng cường hợp tác kinh tế đối ngoại vùng biên giới, trong khuôn khổ hợp tác xây dựng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Cam-pu-chia.

Để bảo đảm huy động được nguồn vốn, công nghệ trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển, Đại tướng Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục quan tâm đổi mới cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự thân thiện giữa chính quyền với nhà đầu tư; đồng thời, nỗ lực khắc phục khó khăn, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi đón tiếp các nhà đầu tư.

Dịp này, có 13 dự án tiêu biểu được các tỉnh Tây Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn hơn 16.400 tỷ đồng; 15 dự án được ngân hàng ký kết cho vay, với số tiền hơn 13 nghìn tỷ đồng. Tại hội nghị, các ngân hàng, nhà đầu tư và doanh nghiệp đã ủng hộ 120 tỷ đồng phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng trường học ở vùng sâu, vùng xa tại Tây Nguyên.

Nguồn Nhân dân